- Chị Đặng Tố Nga chia sẻ về cách dạy dỗ con cái của cha mình, cố hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội - vị kiến trúc sư tài hoa một thời.
PGS.TS Đặng Tố Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (1993 -1999), Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc (1977 - 1978), Hiệu phó (1978 - 1993), Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới (1997 -1999). Tổng biên tập tạp chí Kiến trúc Việt Nam 1995 – 1999. |
Bố cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí có những cái hơi cổ điển mà bây giờ tôi không ứng dụng để dạy con như cho… ăn roi rất nhiều. Mẹ thì không thế.
Tôi học mẹ từ cách mẹ cư xử. Mẹ không bao giờ nói con phải thế này hay thế kia. Bố mẹ chưa bao giờ rút ra cho chúng tôi bài học phải làm như thế nào.
Mẹ tôi rất tế nhị, nói cái gì cũng ý tứ từ xa. Ví dụ tôi bảo sẽ đi chơi buổi tối, thì mẹ nói “Không nên con ạ, con gái ngoan ngoãn không nên ra đường buổi tối, vì ở ngoài đường nguy hiểm thế này, thế kia...”. Còn bố thì đi thẳng ngay vào vấn đề “Không được”, hoặc đi là bố đưa đi, về trước 9h.
Có những việc bố rất nghiêm khắc, nhưng có những cái rất chiều. Bố cũng có những cái rất tâm lý, nhưng trong khuôn khổ.
"Tôi bị áp lực thành tích ghê gớm"
Khi đi học tiểu học, tôi luôn đứng đầu lớp. Chẳng phải tự tôi mong muốn thế, mà đó là mong muốn của mẹ. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong cái thời "người người thi đua, nhà nhà thi đua" nên thành tích cao trong học tập là điều quan trọng với mẹ.
Mẹ tôi “đánh” đòn tâm lý “Nếu con điểm kém mẹ buồn lắm, mẹ ốm rồi thế nọ thế kia. Tôi sợ điều này vô cùng, chứ nhiều khi đánh đòn không sợ đâu. Tính tôi ngang, nhiều khi bố đánh lại làm tiếp, lại bị đánh đau hơn nhưng kệ, không khóc.
Suốt những năm học cấp 1, lúc nào cũng phải đứng thứ nhất, mẹ không cho phép đứng thứ hai. Nên chỉ cần 8 điểm thôi là lo lắng từ lúc nhận điểm cho tới lúc về đến nhà để báo cho mẹ. Những lúc tôi bị điểm kém, mẹ cứ buồn, lặng lẽ không nói gì. Điều này căng thẳng lắm. Tôi rất phản đối cách gây áp lực tâm lý như thế.
Lên cấp 2, mẹ vẫn theo dõi học hành sát sao cho tới tận đại học. Mẹ theo tôi từ lớp 1 đến lớp 12, tất cả các bài học mẹ đều học lại và dạy tôi.
Tới khi lên đại học, tôi lại phải đối mặt với áp lực “con hiệu trưởng”. Bố muốn tôi thi vào Trường ĐH Xây dựng, vừa gần nhà, vừa không có bố ở trong trường, con sẽ không bị mang tiếng… Nhưng tôi muốn học Trường ĐH Kiến trúc nên nhất định không đi xem kết quả điểm thi và nộp hồ sơ vào ĐH Xây dựng.
Tới khi vào học ở ĐH Kiến trúc, bố bảo “Nếu bình thường con học một, thì vì có bố ở đây con phải học gấp ba, để cho mọi người đừng nói là con nhờ bố”.
Tôi còn nhớ có lần ốm sốt trong tuần làm đồ án môn học.
Trong khi đó, để làm bài, tôi phải vẽ màu nước nên việc kiêng nước là không thể, sốt càng cao hơn.
Gần đến ngày nộp bài rồi mà tôi mệt quá, đắn đo mãi tôi nói với bố “Hay là bố gọi điện cho thầy, nói thầy cho con nộp bài chậm một hôm”. Bố lắc đầu ngay, nói rằng không được, “Con phải nộp đúng hạn, bài không tốt vẫn nộp, vẽ đến đâu nộp đến đấy”. Thế là đang sốt đùng đùng tôi vẫn phải thức đêm để vẽ.
Học ở trường lúc nào trước tôi cũng là tấm gương của bố, lúc nào cũng vì bố, học để bố không xấu hổ…
Bố mẹ dạy tôi: Điều quan trọng nhất là giành nhiều thời gian cho con. Sự có mặt của mình là kho báu của con. |
Ở bên cạnh con là điều quan trọng nhất
Về giáo dục, bố mẹ có những cái cổ hủ, nhưng có những kinh nghiệm quý báu mà về sau tôi học được để dạy con.
Đó là: Điều quan trọng nhất là giành nhiều thời gian cho con. Sự có mặt của mình là kho báu của con.
Tôi đọc rất nhiều sách về giáo dục trẻ con, tâm lý trẻ em, lý thuyết này lý thuyết kia nhưng mình không thể theo hết được. Nhưng nếu mình ở bên cạnh con nhiều thời gian, thì ảnh hưởng với con rất lớn.
Như với mẹ tôi, vì mẹ ở suốt bên tôi, nên bây giờ tôi làm gì cũng nghĩ đến mẹ. Và cứ nghĩ nếu làm điều này mẹ sẽ buồn, là tôi không dám làm nữa. Con gái tôi bây giờ cũng thế, cũng rất sợ mẹ buồn. Tất nhiên, tôi không gây áp lực kiểu như mẹ. Lúc nào con tôi cũng chỉ muốn mẹ vui, vì tôi ở bên cạnh con rất nhiều.
Bố mẹ cực kỳ áp đặt chúng tôi về lễ nghĩa, không giải thích mà chúng tôi buộc phải làm theo. Nhưng về kiến thức, định hướng nghề nghiệp thì không.
Bố muốn tôi học về nội thất và ngoại thất, cảnh quan sân vườn, vì bố nghĩ chuyên ngành đó phù hợp với phụ nữ hơn so với việc thiết kế công trình lớn. Nhưng bố không nói là “Con phải học môn này đi”, vì nói vậy sẽ gây áp lực và có thể tôi sẽ phản ứng ngược lại.
Thay vào đó, ngay khi tôi vào năm thứ nhất đại học, bố đã đưa tôi đi thăm quan các vườn cây, nói về các loài cây, mua rất nhiều sách về cây cho tôi đọc. Bố cho tôi gặp người tiên phong về thiết kế cảnh quan ở Việt Nam.
Bố rất bận nhưng vẫn chịu khó đưa tôi đi, để tôi có tình yêu với cây cỏ, sân vườn, trang trí cảnh quan. Mãi sau này tôi mới hiểu “À, thì ra bố muốn mình đi theo ngành này”.
Chăm chút ăn uống, học hành là mẹ rồi, còn bố dạy cho tôi những điều nhà trường không dạy.
Như việc mỗi ngày bố kể một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, khiến tôi rất thích nền văn hoá này để rồi sau này, gần mười năm liền, cứ đến hè tôi lại lặn lội từng ngõ ngách của đất Hy Lạp để tìm hiểu về cội nguồn của nền Văn minh phương Tây, và hoàn thành nghiên cứu khoa học "Nguyên tắc về tỷ lệ trong Kiến trúc Hy Lạp cổ đại".
"Con ở nhà học làm người Việt Nam trước, rồi muốn đi đâu bố sẽ cho đi” |
Từ quyển sổ nhật ký tới những mẩu giấy nhắn
Hoặc một điều “mất thời gian” nữa mà bố mẹ đã làm cho tôi, đó là việc ghi nhật ký cho tôi.
Bố mẹ có thói quen viết nhật ký cho tôi từ khi mẹ mới mang thai.
Khi tôi còn nhỏ, bố không bao giờ cho tôi đọc cuốn nhật ký đó vì trong đó có cả những câu chuyện tình cảm giữa bố và mẹ nữa. Bố chỉ giở ra và đọc từng đoạn ngắn cho tôi. Như khi tôi hỏi “Bố ơi, con ngày sinh con ra có những ai ở bên cạnh?”, “Hồi 2 tuổi con biết làm gì?”… là bố lấy cuốn sổ đó ra đọc cho nghe một đoạn "Tám giờ 20 phút sáng nay, mẹ sinh con gái đầu lòng..."…
Bố nói đến năm 18 tuổi sẽ giao cho tôi cuốn Nhật ký này. Nhưng đến năm 18 tuổi, tôi quên mất, bố tôi cũng không nhắc. Đến khi bố mất, tôi mới lục tìm lại.
Trong sổ còn có những mẩu giấy được dán lại cẩn thận với những dòng chữ của bố hoặc mẹ viết trong lúc không ở nhà và không có cuốn Nhật ký bên cạnh, như “Còn 15 phút nữa thôi bố hết giờ làm rồi, bố mong quá đến giờ về bế con, dù con có tè cho bố một bãi", hoặc “Mẹ đang đợi ở bến xe để về với con, nhưng xe mãi chưa đến”... Tôi vừa đọc vừa khóc.
Từ những trang giấy này mà tôi có thói quen viết nhật ký cho con. Hơn thế, tôi còn có một nhật ký ảnh cho con.
Khi vào cấp 3, tôi có học bổng du học từ cấp 3 lên ĐH luôn. Đó là điều nhiều người mơ ước, tôi rất muốn, nhưng bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ bảo rằng con còn nhỏ, “Con đang ở tuổi hình thành nhân cách, tính cách, bản sắc của con người, nên ở nhà học làm người Việt Nam trước, rồi muốn đi đâu bố sẽ cho đi”.
Đúng thật là sau khi tôi đã hình thành bản sắc rồi, bố không can thiệp nữa. Với con tôi bây giờ cũng vậy, tôi không muốn cho con học trường quốc tế dù ai cũng khuyên tôi cho con học ở đó với những điều kiện tốt hơn vì muốn con học làm người Việt trước, sau đó chắc chắn tôi sẽ cho con đi du học để mở mang tầm nhìn, "đi một ngày đàng học một sàng khôn mà".
Đó chỉ là quan điểm riêng của tôi chứ tôi không nhận định việc cho con học trường quốc tế là sai.
Thế giới đã rộng mở, đã toàn cầu hoá, tôi không nhận định cho một đứa trẻ đi học nước ngoài từ nhỏ là đúng hay sai nhưng tôi nghĩ rằng, sự có mặt của người mẹ là cực kỳ quan trọng với con cho tới tuổi trưởng thành.
Ngân Anh ghi
XEM THÊM: