Giải pháp duy nhất để nghi can không bị ép cung, bức cung là cần phải có luật sư chứng kiến quy trình điều tra tội ác (trừ vụ án liên quan đến an ninh quốc gia) nhằm bảo vệ đến mức có thể nhất (theo luật định) quyền của nghi phạm.

>> Án oan, ép cung và "dê tế thần"

>> Án oan 10 năm và lời nhắc "công bộc"

Vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn đã làm chấn động cả nước vì sự sai sót của các cơ quan điều tra- tố tụng, của các cơ quan có trách nhiệm dẫn đến nỗi đau của người dân kéo dài suốt 10 năm trời.

Một nghịch lý đau lòng hơn nữa là khi đọc lại Luật Hammurabie, chúng ta sẽ thấy có những điều khoản công bằng để ngăn ngừa oan sai, dù đã ra đời trước công nguyên cả ngàn năm.

Luật Hammurabie và Điều 5 đặc biệt

Vua Hammurabie trị vì ở Vương quốc Babylone (nay thuộc Iraq) trong những năm 1792-1750 tr.CN. Bộ luật mang tên ông được khắc trên đá, nay vẫn còn gần như nguyên vẹn (247/282 điều không bị đục, xóa), hiện được trương bày tại bảo tàng Louvre (Paris- Pháp).

Đây chắc chắn là bộ luật chân xác nhất (vì nó không thể bị sao chép, sửa đổi, thêm bớt như các bộ luật khác) và cho đến nay là bộ luật cổ xưa nhất được tìm thấy. Kỹ năng lập pháp, tính chặt chẽ, thông tuệ... trên những gì Luật Hammurabie thể hiện đã làm cho tư duy của các nhà lập pháp sau này phải ngạc nhiên, khâm phục.

Chẳng hạn, dù chỉ được "gói" gọn trên bề mặt của một phiến đá nhưng, từ gần 4.000 năm trước, các tác giả vô danh đã "kịp" ghi cả điều khoản về "bác sĩ", tức thầy thuốc, tại Điều 218: "Nếu thầy thuốc dùng dao đồng thau mổ một trường hợp rất khó khăn... và làm cho dân tự do đó chết... thì người thầy thuốc đó bị chặt ngón tay"(!) (Dẫn theo Lịch sử thế giới cổ đại, nxb GD, 2003, tr. 257).

Trong những điều phi thường mà Luật Hammurabie đã tạo ra,  Điều 5 của bộ luật này, là một trong những điều đặc biệt nhất.

Có lẽ, ngay cả bây giờ, khi hàng tuần, hàng tháng phải nghe về những vụ oan sai từ án, từ tòa, chúng ta thực sự phải sững sờ: "Nếu quan tòa, do thiếu công minh hoặc kém khả năng mà xử án sai, phải nộp phạt số tiền gấp 12 lần nguyên án và bị cách chức vĩnh viễn"! (Xem thêm: TS Nguyễn Việt Hương, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới, nxb CAND, 2012, tr.54).

{keywords}

Vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn đã làm chấn động cả nước. Ảnh: Hà An/ Thanh Niên

Có thể nói không quá lời rằng chính Điều 5 của Luật Hammurabie đã làm cho 281 điều còn lại trở nên giá trị vì "nó đã hiểu" đúng và đủ vai trò của cơ quan tố tụng trong một xã hội mong tìm sự rõ ràng của đen và trắng, đúng và sai, nên đã chế tài trực tiếp, nghiêm khắc, thẳng thắn đối với trách nhiệm và bổn phận của quan tòa.

Quan tòa do nhận hối lộ hoặc kém cỏi, cố tình xử án sai, sẽ bị cách chức và bị buộc phải bỏ tiền túi ra bồi thường một số tiền cực lớn(!)

...Và án oan sai ở ta?

Chuyện các vụ án oan sai đã được dư luận báo động từ nhiều năm nay nhưng xem chừng chưa có biểu hiện giảm bớt. Vụ nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn 10 năm bị tù vừa được trả tự do (trong án tù chung thân) vì không giết người là chuyện khó có thể hình dung.

Theo nguyên tắc, quy trình để xét xử một vụ trọng án đòi hỏi sự tuân thủ cẩn trọng các bước điều tra và buộc tội để khởi tố, luận án, kết án. Dư luận không thể hiểu nổi tại sao bị cáo lại bị ép cung, buộc phải nhận án do kẻ khác gây ra? Làm sao có thể chấp nhận được rằng cán bộ điều tra đã đe dọa, bức cung để buộc người vô tội phải tự nhận mình có tội?

Những câu hỏi nhức nhối, đớn đau ấy, có lẽ nào lại vẫn tiếp tục chịu chung cái điệp khúc "do khách quan", "lỗi" nghiệp vụ?... Các vị quan có trách nhiệm khi trả lời báo chí đều gọi cái việc đẩy người vô tội phải đi tù chung thân là LỖI(!) Là lỗi được chăng khi nếu không có cha là liệt sĩ thì ông Chấn đã bị tử hình(!)? Nếu ông Chấn đã bị xử bắn rồi, các vị có trách nhiệm ngụy biện theo cách chi?

"Trình độ kém" của một số người là điều có thể nhưng nói rằng từ khâu điều tra đến khởi tố, xử án qua bao nhiêu cấp mà sai vẫn hoàn sai thì chỉ có thể kết luận rằng đó là nhẫn tâm, vô cảm. Nhiều điều khuất tất liên quan đến vụ án động trời này, vì nếu không khuất tất, sao lại ép cung, bức cung?

Sự thật cần phải được làm rõ và, những người điều tra viên ép cung, đến những người từng có thẩm quyền xét xử án oan sai này, cần được xét xử, nghiêm minh, theo đúng luật định.

Một điều nữa mà dư luận không thể cho qua, tại sao tất cả những vụ án oan sai từ trước đến nay, khi được minh oan thì nạn nhân, hầu hết là dân thường, lại nhận tiền bồi thường từ chính... tiền thuế của người dân?...

Giải pháp ở đâu?

Điều cần thiết mà vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn đặt ra phải được coi như dạng "phán quyết Bosnan" ở Tòa án Châu Âu cách đây mấy năm - có nghĩa là cần phải có một sự đổi mới toàn diện, căn bản trong quy trình điều tra - tố tụng.

Giải pháp duy nhất để nghi can không bị ép cung, bức cung là cần phải có luật sư chứng kiến quy trình điều tra tội ác (trừ vụ án liên quan đến an ninh quốc gia) nhằm bảo vệ đến mức có thể nhất (theo luật định) quyền của nghi phạm. Đây là điều mà mọi nền dân chủ đều phải có: Chừng nào chưa bị kết án thì chừng đó nghi can vẫn chưa thể bị coi là kẻ có tội.

Điều tiếp theo là đã đến lúc cần phải có bồi thẩm đoàn do nhân dân bầu ra, có quyền giám sát phiên tòa, nhằm buộc quan tòa phải làm đúng chức trách. Sự giám sát này sẽ vừa hạn chế được tình trạng chạy án vừa là động lực để quan tòa tự nâng mình lên về trình độ, hiểu biết. Chắc chưa có ai quên chuyện một lãnh đạo cao cấp đã từng nói rằng nhiều khi phải "vơ vét thẩm phán" để kịp xử án(!)

Sau cùng, cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với các sai phạm của cơ quan điều tra - tố tụng. Không thể có chuyện làm sai vẫn hạ cánh an toàn và tiền bồi thường thì lấy từ tiền thuế. Nếu nghiêm khắc, nếu có một Điều 5 đích thực, chắc chắn sẽ giảm thiểu được rất nhiều án oan sai...

Báo Lao Động số ra ngày 5.11.2013 chỉ mới kể ra dăm vụ án oan sai đẫm nước mắt. VietnamNet cùng ngày cho biết, chủ tọa và thẩm phán phiên tòa sơ thẩm ở Bắc Giang năm 2004 hoặc là "không nhớ"(?) hoặc là "đổ tội" cho tòa phúc thẩm...

Chừng nào còn coi việc xử tù chung thân một con người dễ quên như như vất đi một cái áo cũ; chừng nào mà sai phạm từ điều tra đến sơ thẩm, phúc thẩm vẫn còn bị đổ tội vòng quanh thì chừng đó, án oan sai vẫn là chuyện... thường ngày.

Đừng ngụy biện rằng tòa án nào trên thế giới cũng sai. Có thể vẫn có những phiên tòa sai nhưng chắc có rất ít nước có việc "vơ vét" quan tòa, đồng nghĩa với việc có rất ít những quan tòa, cơ quan điều tra vô trách nhiệm, vô cảm trước sự đẫm nước mắt của những người dân oan...

Hà Văn Thịnh