Ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn là 1/63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Tìm hiểu thì biết, 5 năm trước, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long được thành lập tại thôn Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Từ 7 thành viên ban đầu với diện tích trồng dưa lưới chỉ 1,7 ha, tới nay, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đã thu hút được 45 thành viên, tổng diện tích trồng dưa lưới tăng gần 13 ha. 

anh bai 30.jpg
Dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đã được bán trên đa dạng kênh phân phối. Ảnh: B.M

Ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long cho biết: Dưa lưới của Hợp tác xã được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Xung quanh nhà màng có lưới ngăn côn trùng gây hại từ bên ngoài vào, trong nhà gắn quạt đối lưu tạo điều kiện dung hòa nhiệt độ cho dưa phát triển, còn mái bằng nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió.

Hiện nay, cây dưa được trồng trong các bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, được đặt trên những viên gạch trên vải địa, không tiếp xúc với máng thu nước thải dư, cách ly tuyệt đối giữa các bầu.

Hợp tác xã sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt capinet và châm phân ventury, thiết bị hẹn giờ, nguồn nước sạch, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ nhu cầu của cây; phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. 

“Chúng tôi chú trọng dùng các chất hữu cơ và các sản phẩm sinh học để bảo đảm sức khỏe cho người lao động và khách hàng. Các khu vực trang trại của bà con được canh tác theo một quy trình, định kỳ có bộ phận kỹ thuật kiểm tra và hỗ trợ. Cùng với đó, Hợp tác xã cũng đã áp dụng nhật ký điện tử Facefarm vào sản xuất, thường xuyên tập huấn, chia sẻ cho bà con những kinh nghiệm và sáng kiến mới”, ông Quyết cho hay.

Nhờ liên tục cập nhật, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chi phí sản xuất của các thành viên Hợp tác xã đã giảm 20%; giảm được nhiều nhân công lao động, giảm thiểu tối đa sự tác động từ thiên nhiên, kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. 

Đặc biệt, giảm tới 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao mà vẫn tăng năng suất.

Cũng theo ông Quyết, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch dưa lưới khoảng 80 - 100 ngày, năng suất trung bình đạt từ 30 - 35 tấn/ha/vụ. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1.000 tấn sản phẩm, doanh thu hàng năm khoảng 40 tỷ đồng. Với giá cả hiện nay, cứ mỗi ha, các thành viên trồng dưa lưới thu về lợi nhuận gấp 7 - 8 lần so với trồng cao su trước đây. 

Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho thành viên, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long còn bao tiêu sản phẩm cho nhiều đơn vị ở Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Có được kết quả đáng khích lệ này là do Hợp tác xã đã liên kết được với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để xây dựng được chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tới nay, các sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long sở hữu chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đã hiện diện trên hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ, 4 hệ thống siêu thị lớn (gồm: Bách hóa xanh, MM Mega, Go, CoopMart) và các kênh bán hàng trực tuyến (sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Sendo, Postmart…).

Chứng chỉ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã trở thành “giấy thông hành” giúp sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có thể xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Đông, hiện đang tiếp tục mở rộng “đầu ra” cho nông sản. 

Bình Minh