Khi quá trình phân phối vắc xin của Mỹ diễn ra, giới chuyên môn cảnh báo liệu các công ty có thể đạt được sản lượng và thời điểm giao hàng như đã hứa hay không.

{keywords}

Ảnh minh họa: EPR

Robert Van Exan, chủ tịch của một công ty tư vấn sản xuất vắc xin, cho biết, nhiều người nghĩ sản xuất vắc xin giống như hàng gia dụng hoặc ôtô nhưng không phải vậy.

Quá trình này rất phức tạp, với nhiều biến số mà các nhà sản xuất có thể không lường được hết.

Tổng thống Joe Biden tin rằng Mỹ sẽ có đủ vắc xin cho người lớn vào tháng 5, sớm hơn gần 2 tháng so với dự kiến nhờ thỏa thuận với hãng dược phẩm Merck và Johnson & Johnson.

Bước tiến đó không làm các chuyên gia ngạc nhiên. Một số người nhận định Mỹ có thể chinh phục cột mốc này vào giữa tháng 4.

Để đạt được điều đó, các quan chức lên kế hoạch sử dụng 400 triệu liều Moderna và Pfizer-BioNTech, đủ để tiêm chủng cho 200 triệu người, cộng thêm 100 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson một mũi. Nước Mỹ có 255 triệu người lớn.

Giáo sư Melissa McPheeters, Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết: “Thành quả này rất ấn tượng và mang lại cho tôi nhiều hy vọng. Chúng ta đang trong viễn cảnh thoát khỏi sự khan hiếm vắc xin”.

Chính quyền đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai đối thủ Merck và Johnson & Johnson. Mỹ cũng đồng ý đầu tư thêm 100 triệu USD để tăng cường sản xuất vắc xin và các nhà máy đóng hàng. Đó là 2 trong số những điểm nghẽn lớn nhất mà vắc xin Johnson & Johnson phải đối mặt.

Nhờ Merck thúc đẩy sản xuất, Johnson & Johnson đồng ý xuất xưởng 20 triệu liều vào cuối tháng 3 và thêm 80 triệu vào cuối tháng 5.

Ban đầu, Moderna và Pfizer-BioNTech dự định mỗi hãng cung cấp 200 triệu liều vào cuối tháng 6. Nhưng việc sản xuất vắc xin dựa trên công nghệ mRNA nhanh hơn dự kiến.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của cả ba loại vắc xin được cấp phép đồng nghĩa lượng dược phẩm sẽ dồi dào trong vòng một tháng.

Tiến sĩ Trudy Larson, Hiệu trưởng trường Khoa học sức khỏe cộng đồng tại Đại học Nevada-Reno, nói: “Tôi đoán từ giữa đến cuối tháng 4, tất cả những người trưởng thành muốn có vắc xin sẽ có thể tiêm được”.

Tiến sĩ George Rutherford, nhà dịch tễ học của Đại học California, cho biết, có đủ ít nhất 1 liều vắc xin để tiêm cho tất cả người lớn là thành tựu quan trọng.

Hiện tại, giai đoạn tiếp theo của Mỹ là thuyết phục những người còn nghi ngại đi tiêm phòng.

Tiến sĩ Corey Casper là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm. Ông Casper cho biết: “Vẫn còn những thách thức phía trước khi nhiều người chần chừ tiêm vắc xin”.

Các cuộc khảo sát liên tục ghi nhận một tỷ lệ lớn người Mỹ không chắc chắn về việc chủng ngừa Covid-19. Nhưng cũng có dữ liệu cho thấy khi những người này nhìn thấy bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm được tiêm vắc xin, sự do dự dường như sẽ biến mất.

Tuy nhiên, không phải thuyết phục ai cũng dễ dàng. Giáo sư Jeffrey Shaman, Đại học Columbia, cho biết: “Sẽ có những người cần được khuyến khích hoặc nhắc nhở rằng việc tiêm phòng không chỉ tốt cho họ mà còn cho cộng đồng và cho đất nước của họ”.

An Yên (Theo USA Today)

Trải nghiệm tiêm đủ 2 mũi vắc xin ở Mỹ của nữ phiên dịch người Việt

Trải nghiệm tiêm đủ 2 mũi vắc xin ở Mỹ của nữ phiên dịch người Việt

Sau khi tiêm, chị Ninh chỉ bị đau ê ẩm ở tay một ngày. Hôm sau, chị đã có thể làm mọi việc, tập các động tác khó của yoga.