Doanh nghiệp siêu nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển, cung ứng dịch vụ tài chính trải rộng khắp địa bàn cả nước. Song việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức; các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải nhanh chóng được bổ sung hoàn thiện. Việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn có khoảng trống.
Tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ” do Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức ngày 1/7, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhìn nhận, hiện nước ta có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Vì vậy, cần tạo pháp lý vững chắc để các loại hình mới như công ty công nghệ tài chính tham gia cung ứng dịch vụ tài chính.
Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đã được NHNN trình Chính phủ từ năm 2021 và có đến 7 phiên bản dự thảo, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện IDS, thừa nhận hành lang pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính… chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung. Một minh chứng là đến nay các doanh nghiệp fintech vẫn đang hoạt động theo mô hình “giấy phép thử nghiệm” với nhiều hạn chế. Để các doanh nghiệp fintech có thể tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế.
Ông Nguyễn Thanh Hiển, Tổng Giám đốc FinViet, chia sẻ khoảng 5 triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc đang ngày càng đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Nhưng việc tiếp cận tài chính của nhóm đối tượng này còn gặp khá nhiều khó khăn bởi các tổ chức tín dụng thường đặt ra quy trình thẩm định chặt chẽ, các quy định khá phức tạp và không thể bất chấp rủi ro để hạ tiêu chuẩn cho vay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhìn nhận khả năng tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ... ngày càng xa!
Giải bài toán vốn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ
Để phần nào giải bài toán vốn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ (SME), các hộ kinh doanh…, các công ty fintech đang vào cuộc rất tích cực.
Vấn đề thiếu vốn đối với hộ kinh doanh không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để giải bài toán này, nhiều quốc gia hình thành kênh cung ứng vốn riêng cho nhóm SME, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tín dụng và công ty fintech. Song việc triển khai cấp tín dụng cho nhóm đối tượng này còn khá hạn chế, do quy trình thủ tục phức tạp, nên việc phát triển và mở rộng mô hình còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hiển, để có những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước nên sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox, trong đó có việc cho phép các tổ chức tín dụng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp fintech trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; cho phép các tổ chức có năng lực công nghệ, tài chính, quản trị hiện đại, được tham gia vào thị trường vốn quy mô nhỏ qua các mô hình ngân hàng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số…
TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cũng cho rằng, một trong vấn đề nằm trong chiến lược là làm sao đó để mà ứng dụng khoa học công nghệ để đưa ra các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhóm đối tượng của mục tiêu tài chính toàn diện. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng là hợp tác với các fintech và các fintech tận dụng lợi thế của nhau để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là “yếu thế”.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định ngoài hành lang pháp lý cho Fintech thì cần sớm có luật bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính. Bởi khi đứng trước các định chế tài chính thì không chỉ người thu nhập thấp, hay doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà khách hàng nói chung đều là người yếu thế cần được bảo vệ.
Theo ông Thành, để bảo vệ người “yếu thế” và phát triển tài chính toàn diện số cần có 3 yêu cầu. Một là ổn định kinh tế vĩ mô, vì lạm phát sẽ ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. Hai là cần khuôn khổ pháp lý, ngoài pháp lý cho fintech cần có luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ba là loạt chính sách hỗ trợ bên cung, bên cầu. Bên cung đưa ra nhiều sản phẩm nhưng làm sao để dễ tiếp cận, dễ hiểu thì cần chuyển đổi về tư duy, đào tạo về tài chính toàn diện cho các khách hàng.