Những năm gần đây, thị trường Edtech (Education Technology - ứng dụng khoa học công nghệ vào giáo dục) tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và cho thấy tiềm năng phát triển của nó trong lĩnh vực giáo dục. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong giáo dục, học tập đã giúp con người có thể rút ngắn khoảng cách, dễ dàng tiếp xúc với tri thức.

Tuy nhiên, Edtech có một điểm khác biệt lớn so với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong chiến lược gia nhập thị trường. Trong khi các startup khác có thể xây dựng lòng tin tưởng và danh tiếng từng bước một, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - Edtech startup phải có được sự tín nhiệm của khách hàng ngay từ những ngày đầu; sẽ không ai tin tưởng vào một dịch vụ giáo dục mà chưa được công nhận rộng rãi. Vậy làm thế nào để Edtech startup có thể xây được lòng tin từ phía khách hàng ngay từ những ngày đầu; Những chiến lược nào họ nên theo đuổi để có thể nhanh chóng được công nhận rộng rãi?

Hai câu hỏi nêu trên đã được tập trung thảo luận trong chương trình Founder Fairytale số 4 có chủ đề “Xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường cho các startup trong lĩnh vực giáo dục” vừa được Vườn ươm khởi nghiệp Innovatube tổ chức tại Hà Nội.

Tại sự kiện, diễn giả Danny Goh, đồng sáng lập Innovatube Solutions Vietnam, đã chia sẻ kinh nghiệm và cách nhìn nhận của ông về tầm quan trọng của xác định thị trường cũng như các vấn đề mà doanh nghiệp cần phải quan tâm khi xây dựng chiến lược gia nhập thị trường mới.

Ông Danny Goh đã có hơn 13 năm kinh nghiệm về thị trường quốc tế và là chuyên gia trong việc phát triển sản phẩm và chiến lược xâm nhập vào thị trường mới. Ông cũng là người có kinh nghiệm trong việc thiết lập chiến lược kinh doanh mới ở rất nhiều thị trường tại châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, cùng với kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và ngành “edtech”, Danny đang đầu tư và cố vấn cho các dự án khởi nghiệp Edtech như Lessonon (Anh), Kiddiepass, Edu Lock Apps (Mỹ), EllaStudy, Antoree (ViệtNam)...

Diễn giả Danny Goh cho rằng: thị trường quyết định 80% thành công của sản phẩm đó. “Khi chúng ta tạo được một sản phẩm với chất lượng tốt, chúng ta cần phải tìm cho nó một thị trường đúng”, ông Danny Goh nhấn mạnh.

Theo vị diễn giả này, thị trường đúng là thị trường mà trước hết, sản phẩm phải có khả năng để tối ưu hóa những tính năng của nó. Không chỉ vậy, tại thị trường đó, nó có thể đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của con người mà các đối thủ cạnh tranh chưa thể làm được hoặc chưa làm tốt.

Ông Danny Goh cũng cho biết: “Sau khi có sản phẩm và thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược mà ở đó họ có thể tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô để giảm thiểu được chi phí bình quân của sản phẩm nhờ vào sự tăng lên trong số lượng sản xuất ra. Tuy nhiên, sau một thời gian nhất định, kinh tế sẽ giảm hiệu quả do sự mở rộng quy mô. Khi tận dụng được lợi thế kinh tế quy mô, doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh thị trường, tăng lợi nhuận, tăng lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu được rủi ro”.

Ngoài ra, theo chuyên gia Danny Goh, để xâm nhập được thị trường và phát huy tối đa lợi thế của mình, doanh nghiệp còn cần quan tâm tới chiến lược thoái vốn, đàm phán với các đối tác, xây dựng hệ thống của doanh nghiệp về nhân lực, lực lượng bán hàng, hệ thống quản lý quan hệ khách hàng…

Qua buổi chia sẻ này, các doanh nghiệp khởi nghiệp Edtech đã có thể nhìn nhận rõ vấn đề cũng như tìm cho mình được một hướng đi phù hợp để giúp doanh nghiệp, sản phẩm của mình tạo được vị thế trong thị trường giáo dục Việt Nam.