Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc botulinum xảy ra liên tiếp tại một số địa phương. Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, trong tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum phổ biến và có khả năng sống sót cao trong đất và bụi, được tìm thấy trong đất vườn, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá... 

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo ngộ độc do botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Nguyên nhân của loại ngộ độc này xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (gồm: chai, lọ, lon, hộp, túi) không bảo đảm an toàn, dẫn tới sự xuất hiện của một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh và phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra chất độc Botulinum.

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:

- Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn nghiêm ngặt.

- Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

W-thucphamdua-muoi-1.jpg
Không nên ăn dưa muối, măng, cà muối khi hết chua, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: Hoàng Linh

- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hoàng Linh