Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh hy vọng, phong tỏa tài khoản không chỉ để “tiền nhà nước không rơi vào túi cá nhân” mà còn đảm bảo công bằng xã hội.

{keywords}

Thu hồi thấp vì kiểm soát yếu

Từ 10/1/2016, Thông tư liên tịch số 07/2015 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra sẽ có hiệu lực.

Luật Thanh tra quy định thẩm quyền phong tỏa tài khoản của các đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, song chưa được thực hiện đầy đủ vì thiếu hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và các vấn đề pháp lý liên quan nghiệp vụ ngân hàng trong các trường hợp này. 

Ngay trước kỳ họp thứ 10 QH khóa 13, trả lời của cử tri về việc tài sản tham nhũng thu hồi ít (mới đạt khoảng 23%), TTCP thừa nhận việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đạt hiệu quả thấp dù so với năm 2013 có tăng. 

Tình trạng tài sản nhà nước thất thoát thường “một đi không trở lại” vì các cơ quan chức năng không thể truy được dấu vết do tài sản được “biến hóa”, tẩu tán mà một phần do quy định pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là về các biện pháp kê khai, phong tỏa, kê biên tài sản. 

Vì vậy, để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, TTCP xác định cùng với nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng thu hồi tài sản, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm tra…, cần hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản.

Cụ thể là, “sẽ có một chương về thu hồi tài sản tham nhũng trong dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi nhằm khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước, hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế của đối tượng tham nhũng.

Dự kiến Chính phủ sẽ trình QH dự thảo luật này vào tháng 10/2016 để năm 2017 có luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi toàn diện.

Tại Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng, các chuyên gia cũng đề xuất cần quy định không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không hợp pháp cũng có nghĩa vụ trả lại tài sản.

Quy định này nhằm tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thể thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng nhưng đã bị tẩu tán.

Mới đây, nộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi được QH thông qua đã bổ sung các quy định về việc cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng có thể nhanh chóng phát hiện, làm rõ hành vi cũng như tài sản tham nhũng, góp phần thu hồi hiệu quả tài sản cho nhà nước trong các vụ vi phạm.

Phong tỏa để giữ “chân” tài sản

Trong các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và tài sản tham nhũng nói riêng thì phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản được đánh giá là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo tài sản “không chạy thoát thân” trước khi cơ quan chức năng xử lý các vi phạm liên quan.

Theo thông tư trên, thẩm quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản gồm: trưởng đoàn thanh tra hành chính, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, người ra quyết định thanh tra hành chính, người ra quyết định thanh tra chuyên ngành.

Căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản là đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản như: thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán; đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thông tư nêu rõ, người có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản gửi quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản và đối tượng thanh tra. Quyết định phong tỏa tài khoản phải do người có thẩm quyền được quy định ký và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.

Tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản khi nhận được quyết định phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản theo quyết định, đồng thời thông báo cho chủ tài khoản bị phong tỏa về việc này.

Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định này.

Tuy nhiên, để văn bản này cũng như các biện pháp chống tẩu tán tài sản được thực thi thì cũng “cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng khối tài sản của Nhà nước cũng như tăng trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tài sản công”, một chuyên gia LHQ khuyến nghị. 

Kết quả nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng mới được Ban Nội chính TƯ công bố gần đây cho thấy, có 12,9% công chức, viên chức được hỏi cho rằng có hiệu quả; 17,1% cho rằng không hiệu quả; 60,8% nhận định chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định.

Trong khi đó, 28,4% người dân cho rằng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng đạt, 24,5% cho rằng không hiệu quả là và 43,6% đánh giá chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định. 

Theo Pháp luật VN