Kêu gọi cải cách kinh tế hay thay đổi tỷ giá sẽ không có ý nghĩa gì khi mà ta không xác định được tăng trưởng kinh tế nhờ những thứ đó sẽ đem lại lợi ích cho ai: 1% người giàu hay số đông cần giúp đỡ trong xã hội.

Lạc lối trong tăng trưởng

Trong những tuần cuối tháng 12, chúng ta nghe nhắc nhiều đến các con số tăng trưởng GDP bình quân đầu người, rồi tăng trưởng GDP của năm 2013. Nhìn chung, con số tăng trưởng và thu nhập đầu người vẫn thu hút mối quan tâm của công chúng và chính phủ, dù người dân vẫn còn ít nhiều thắc mắc về nó. Bởi vì ở một góc độ nào đó về mức độ giàu có và tăng trưởng kinh tế.

Cách đây không lâu, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Ở vào thời điểm "hoàng kim" của năm 2005- 2007, chúng ta có tốc độ tăng trưởng 7-8%. Sau khi toàn cầu rơi vào khủng hoảng, mặc dù chúng ta có dấu hiệu yếu đi trong cuộc đua tăng trưởng, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Cho đến vài năm gần đây tốc độ tăng trưởng của Việt Nam mới "rơi " về gần mức gọi là trung bình của khu vực Đông Á và có dấu hiệu "xuống phong độ "so với các nước có thu nhập trung bình.

Thế nhưng, kết quả tăng trưởng rất ấn tượng của giai đoạn 2005 -2006, lại không tạo ra những thần kỳ như người ta mong đợi lúc đó. Việt Nam có vẻ đang loay hoay đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mà không có một ngành kinh tế mũi nhọn nào của chúng ta tỏ ra vượt trội so với các đối thủ chính. Ngược lại, khi chúng ta bắt đầu tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, một số căn bệnh đã được cảnh báo trước bộc phát: Nợ công gia tăng và nợ nần của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng lớn ( xem gánh nặng nợ của DNNN của tác giả Tư Giang - TBKTSG số 49-2013 và rủi ro nợ quốc gia đang tăng-TBKTSG số 37-2013), đi kèm với nó là nợ xấu của khu vực ngân hàng cũng gia tăng.

Những con số về nợ nần liên tục thay đổi, nhưng quan trọng là chúng ta có thể nhận thấy không có dấu hiệu suy giảm rõ ràng trong nợ công lẫn nợ xấu của ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách đứng trước áp lực phải gánh các chi phí liên quan đến khoản nợ này, ít ra là trong hỗ trợ cho các DNNN làm ăn thiếu hiệu quả và trả lãi cho các khoản nợ công sắp đáo hạn.

Khi ngân sách phải chịu gánh nặng về vấn đề nợ nần, câu hỏi là liệu ngân sách còn duy trì đủ khả năng chi tiêu cho y tế và giáo dục, hai trụ cột căn bản của xã hội, nhưng cũng là lĩnh vực bị nhiều tai tiếng trong những năm gần đây. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi nó xảy ra vào thời điểm Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng", thời kỳ mà tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao trong khi bộ phận dân số phải phụ thuộc người khác (như người già, trẻ em) thấp.

{keywords}

Sự bất bình đẳng đó không chỉ liên quan đến cơ hội việc làm, mà còn liên quan đến cơ hội được chăm sóc y tế lẫn cơ hội vươn lên xóa nghèo, kém may mắn, ít có thông tin hơn và cũng ít có tiếng nói trong xã hội.

Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Trong khi đúng ra chúng ta cần tận dụng thời cơ dân số vàng để tạo ra đột phá trong tăng trưởng nhờ vào một lực lượng lao động trẻ và dồi dào, các tổ chức nước ngoài và chuyên gia trong nước lại tỏ ra quan ngại về chất lượng việc làm và cơ hội việc làm cho giới trẻ, một bộ phận quan trọng của thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam. Chẳng hạn tổ chức lao động quốc tế (ILO), trong thông điệp cho báo chí ngày 12/8/2013 đã phản ánh rằng "chất lượng việc làm cho thanh niên độ tuổi từ 15- 29 đang gióng lên hồi chuông báo động đối với thị trường lao động trẻ Việt Nam và cuộc điều tra toàn quốc cho thấy chất lượng việc làm thấp ảnh hưởng tới hơn nữa lao động thanh niên. Cứ 10 người thì có 8 người làm những việc không chính thức và trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc việc làm tạm thời)".

Trong bối cảnh ngân sách bị hạn hẹp đủ bề, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản (theo phòng thương mại và Công Nghiệp Việt Nam - VCCI, thì số doanh nghiệp phá sản tính đến năm 2012 chiếm hơn một nửa doanh nghiệp được thành lập kể từ khi luật doanh nghiệp được ban hành), chúng ta liệu có đào tạo đủ kỹ năng và tạo ra đủ việc làm cho lực lượng lao động trẻ dồi dào hay không? Cơ hội dân số vàng dường như đang dần trở thành thách thức đối với nước ta.

Những thông tin từ việc nghiên cứu khác cũng về vấn đề việc làm, được trích dẫn trong bài việc làm ở đâu cho "dân số vàng"? đăng trên báo Tuổi Trẻ, hé lộ một vấn đề khác trong bước đường tăng trưởng kinh tế những năm gần đây. Đó là một sự bất bình đẳng đáng lo ngại trong tiếp cận với cơ hội đào tạo và thông tin việc làm. Trong bài báo này, PGS.TS. Giang Thanh Long trích dẫn số liệu của tổng cục thống kê rằng số lao động qua đào tạo vô cùng chênh lệch giữa nông thôn và thành thị: khoảng một phần ba lao động nam ở thành thị đã qua đào tạo trong khi ở nông thôn chỉ là 10,5 %và gần 28% lao động nữ ở thành thị được đào tạo, ở nông thôn chỉ có 7,8%.

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tình hình bất bình đẳng đáng báo động về cơ hội được đào tạo, có việc làm và tìm kiếm thu nhập cao trong bộ phận dân cư trong độ tuổi lao động (và cũng là những người có nhu cầu tiêu dùng cao). Sự bất bình đẳng đó không chỉ liên quan đến cơ hội việc làm, mà còn liên quan đến cơ hội được chăm sóc y tế lẫn cơ hội vươn lên xóa nghèo, kém may mắn, ít có thông tin hơn và cũng ít có tiếng nói trong xã hội. Chẳng hạn, xu hướng "xã hội hóa" y tế và giáo dục dường như đang dẫn đến xu thế đẩy một bộ phận người dân ra khỏi chất lượng tối thiểu của chăm sóc giáo dục y tế.

Với tình hình như thế, câu hỏi được đặt ra bao nhiêu năm qua, với mức tăng trưởng trung bình cao hơn khu vực, chúng ta đã gặt hái được điều gì? Tăng trưởng để làm gì khi chất lượng giáo dục và y tế ngày càng kém đi trong khi gánh nợ trong ngân sách ngày càng cao (đó là chưa bàn đến vấn đề chi phí thiết yếu như điện nước, xăng dầu gia tăng, còn quỹ lương hưu ngày càng cạn kiệt)?

Phải chăng chúng ta đã lạc lối trong con đường tăng trưởng, chạy theo những mục tiêu mơ hồ, "nước công nghiệp hóa", "ổn định vi mô", những thành quả thoát nghèo ấn tượng, đăng cai những sự kiện lớn của khu vực, trong khi thực chất những nền tảng của tăng trưởng bền vững ngày càng kém đi.

Đây có lẽ là hệ quả của việc cố gắng chạy nước rút trong tăng trưởng vài năm trước đây và kết quả có thể là chúng ta nhận ra mình đã ...lạc đường. Rồi khi nhìn lại chúng ta nhận ra mình đang không tạo ra đủ lao động có chất lượng để giữ vốn ngoại, không tạo đủ tiền cho ngân sách để gia tăng chi tiêu cho giáo dục và y tế, ngược lại tạo ra một thói quen vay mượn và chi tiêu vô tội vạ của nhiều DNNN trong đó có những doanh nghiệp công ích.

Kết quả, chúng ta có một nền kinh tế đắt đỏ, ít công bằng hơn, tăng trưởng chậm lại, nợ nần nhiều hơn và thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho những thách thức của dân số vàng. Thật mỉa mai khi đó là thành quả của nhiều năm tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân khu vực. Nếu xem hành trình của chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi từ một nền kinh tế lạc hậu sang một nền kinh tế có thu nhập trung bình và có một vai trò cao hơn trong chuỗi sản xuất của thế giới, thì e rằng chúng ta đang lạc lối trong tiến trình chuyển đổi đó (lost -in - transition).

Vậy trước khi tiếp tục đợt chạy tiếp theo với những mục tiêu tăng trưởng GDP, tín dụng và xuất khẩu như thường lệ, phải chăng ta nên hỏi chính mình, chúng ta đang muốn chạy đi đâu và chạy như thế nào để quay lại con đường đúng?

Kêu gọi cải cách kinh tế hay thay đổi tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, thậm chí là kích thích tiêu dùng và thị trường nhà ở sẽ không có ý nghĩa gì khi mà ta không xác định được tăng trưởng kinh tế nhờ những thứ đó sẽ đem lại lợi ích cho ai: 1% người giàu hay số đông cần giúp đỡ trong xã hội.

  • Hồ Quốc Tuấn (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại.