Sau khi qua đời, tài khoản mạng xã hội của bạn ra sao? Bạn rồi cũng chết đi, nhưng tài khoản mạng xã hội của bạn có thể vẫn còn mãi trên Internet.

Zing.vn lược dịch bài viết của Luke O'Neil trên tờ Boston Magazine, sau khi cha tác giả qua đời.

Tôi không nhớ lần cuối nói chuyện với cha là khi nào, nhưng vào khoảng thời gian cuối đời, tôi khó có thể hiểu ý ông qua điện thoại. Nhiều năm lạm dụng thuốc, sức khỏe ngày càng suy yếu đã làm biến dạng giọng nói của ông.

Ông thường gọi tôi vào thời điểm không thích hợp, những lúc tôi không có thời gian cho các cuộc gọi. Đôi khi tôi thấy rất phiền vì ông cố gắng gọi lại hoặc chuyển lời tới hộp thư thoại.

Dù vậy, tôi khó mà không nghĩ tới việc ông sắp phải từ giã cuộc đời. Tôi có thể sẽ không còn cơ hội để nói chuyện với bố nữa, tôi thường nói thế với bản thân, nhưng cuối cùng, tôi vẫn không thường nói chuyện với ông.

Vào những ngày vui vẻ, ông sẽ gọi để kể cho tôi nghe những điều xảy ra xung quanh mình. Ông thường khuyên tôi nên đối xử tốt đẹp với các anh chị em khác mẹ, nhưng nếu có thể, tôi muốn nói với họ "hãy gọi lại cho ông già ấy, một ngày nào đó các người sẽ thấy hối tiếc nếu không làm vậy".

Cai chet va noi dau mat mat thay doi ra sao trong thoi ky thuat so hinh anh 1
Con người rồi sẽ chết đi, nhưng di sản của họ trên Internet có thể sẽ trường tồn theo thời gian. Ảnh: Toledo Blade.

Những "thây ma" trên mạng xã hội

Đó là điều tôi suy nghĩ trước đây. Còn bây giờ, tôi thấy được xoa dịu khi nhớ chính xác ngày và giờ những tin nhắn cuối cùng còn trong điện thoại, miễn là đám mây lưu trữ còn tồn tại và tôi còn đủ khả năng chi trả. 

Tháng 2/2016, tin nhắn cuối cùng tôi nhận được: “Chào con trai, hôm nay con thế nào? Bố đã ở bệnh viện được hai tuần và khoẻ hơn nhiều. Nói với con sau. Yêu con. Bố”. Ba tháng sau, ông qua đời vì nhiễm trùng máu.

Smartphone đã trở thành sản phẩm thường nhật. Tôi có thể dùng nó trả lời tin nhắn cuối cùng với bố ngay bây giờ. Vậy nó có thể trở thành nơi lưu trữ kỉ niệm với người đã khuất không?

Ý tưởng người chết có thể nói chuyện nghe như chỉ có trong phim kinh dị hay khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, việc lưu trữ ký ức người thân trong smartphone, không xóa số liên lạc dù họ đã qua đời nhiều năm giúp ý tưởng này trở nên hiện thực hơn.

Chúng ta đã hỏi thiết bị đường về nhà, đặt thức ăn hay quảng bá chính mình đến toàn thế giới. Và giờ, chúng ta còn có thể trò chuyện với "ma".

Cai chet va noi dau mat mat thay doi ra sao trong thoi ky thuat so hinh anh 2
Bạn có thể mạnh mẽ sống tiếp khi những ký ức công nghệ của người thân đã khuất vẫn hiện hữu xung quanh? Ảnh: Digital Information World.

Theo Boston Magazine, có từ 8.000-10.000 người dùng Facebook qua đời mỗi ngày. Những gì còn lại là bài đăng, tin nhắn, hình ảnh. Vậy chúng sẽ đi về đâu?

Thực tế tài khoản có thể “chuyển nhượng” cho bạn bè hoặc thành viên gia đình. Họ sẽ “dọn dẹp” lại tài khoản khi người thân qua đời, nhưng vẫn không được cấp quyền truy cập vào nhật ký trò chuyện riêng tư.

Các thành viên khác trong gia đình cũng có thể tùy chọn tưởng nhớ tài khoản người đã khuất, tắt đi một số tính năng nhất định như nhắc nhở ngày sinh nhật, tránh gây đau lòng.

Gmail có một công cụ gọi là Trình quản lý tài khoản không hoạt động (Inactivate Account Manager) cho phép báo với Google khi tài khoản sắp ngừng hoạt động.

Trước thời hạn đó, Google sẽ kiểm tra thông tin trên thế giới số để xem bạn còn sống hay không. Nếu không có phản hồi, Google sẽ liên lạc với những liên hệ tin tưởng mà bạn đã chọn trước đó với thông điệp được viết từ trước. “Chào cậu, tôi chết rồi haha. Nhớ đừng xem mấy tấm hình khỏa thân của tôi nhé", hoặc điều gì đó tương tự.

Cai chet va noi dau mat mat thay doi ra sao trong thoi ky thuat so hinh anh 3
Trình quản lý tài khoản không hoạt động (Inactivate Account Manager) cho phép người dùng thông báo với Google khi tài khoản sắp ngừng hoạt động. Ảnh: Android Community. 

Twitter cũng có tùy chọn xóa bỏ tài khoản của người đã mất, song yêu cầu chứng minh người dùng qua đời. Đó quả thực không phải là đòi hỏi dễ đáp ứng, nhất là trong khoảng thời gian khó khăn khi người thân mới qua đời.

Điều này đưa đến kết luận. Đó là tiến bộ công nghệ có thể thay đổi cách chúng ta thương tiếc người thân yêu đã mất. Chẳng hạn vào năm ngoái, cây bút James Vlahos của tờ Wired đã ghi lại những ngày tháng cuối cùng với cha mình. Ông cố gắng ghi lại các đặc điểm trong giọng nói của cha và tải nó lên phần mềm trò chuyện trí tuệ nhân tạo gọi là Dadbot.

Những nỗ lực tạo ra hình thái vĩnh cửu mới này ngày càng nhiều. Một công ty còn hứa hẹn việc bảo toàn bộ não con người và tải nó lên đám mây.

"Tang lễ" trong thời đại số

Moran Zur - người sáng lập của một dịch vụ có tên SafeBeyond - giải thích “chính sách bảo hiểm nhân thọ tình cảm” của ông được lấy cảm hứng từ nỗi đau mất vợ và cha.

Vợ Moran bị ung thư trong nhiều năm. Ông muốn bà ấy để lại thông điệp cho con cái họ ở mỗi cột mốc khi chúng lớn. Có thể nghe được lời chúc từ người mẹ quá cố thực sự là món quà cho những đứa trẻ, nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi. Đó là liệu chúng ta có thể tiếp tục sống mạnh mẽ trong kỷ nguyên số hay không, khi người chết không bao giờ thực sự biến mất. 

Tang lễ “kỹ thuật số” cũng không quá khác biệt so với đi viếng nghĩa trang. Nhưng khi con người có thể dễ dàng truy cập vào miền ký ức những người thân yêu đã khuất bằng smartphone, liệu có làm chúng ta mắc kẹt vĩnh viễn trong nỗi đau mất mát?

Cai chet va noi dau mat mat thay doi ra sao trong thoi ky thuat so hinh anh 4
Công nghệ Hologram thậm chí còn tái tạo lại hình ảnh người đã mất một cách sống động. Ảnh: Billboard.

Theo giáo sư tâm thần học Michael Grodin thuộc Đại học Y khoa Boston, không có gì bất thường hoặc không lành mạnh khi tìm về các kỷ vật kỹ thuật số. Điều này cũng như việc trân trọng chiếc chăn cũ hay mặc áo phông của người thân đã mất.

"Vấn đề nằm ở mức độ. Nếu nó ảnh hưởng đến các mối quan hệ, hoạt động hàng ngày, khả năng làm việc và tiếp thu của bạn, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sỹ tâm lý”, Grodincho nói.

Sau tất cả các buổi trị liệu, dành ra hàng giờ suy nghĩ về những tin nhắn với cha, dù không hiểu rõ hoặc vốn chúng chẳng có ý nghĩa, tôi nhận ra rằng việc đối mặt với những kỉ niệm kỹ thuật số của những người thân yêu thực sự mang ý nghĩa đặc biệt. Nó như lời nhắc nhở không ngừng việc họ vắng mặt khỏi đời bạn.

Dù không thể nói chuyện trực tiếp với người đã khuất, ngày nay, họ có thể “gọi” về cho chúng ta, bất kể là là thứ gì: Một tin nhắn thoại, văn bản hay dòng “tweet” - thông điệp bất kì ai cũng có thể truyền đạt: "Tôi đã ở đây. Tôi ra đi rồi, nhưng tôi đã ở đây".