Hơn chục năm trước, xã Yên Bài (huyện Ba Vì, Hà Nội) trải qua cơn “sốt đất” đầu tiên. Khi làn sóng này qua đi, hệ lụy nó để lại vẫn là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người đến tận bây giờ. Điển hình nhất là câu chuyện của ông Nguyễn Trung Kiên (ở thôn Chóng), người mà hàng chục năm trước nổi lên như một đại gia của xã khi thu được vài tỷ đồng tiền bán đất.

Cái kết thảm khi chạy theo ‘giấc mơ tỷ phú’ nhờ bán đất - 1

Xã Yên Bài, huyện Ba Vì được coi là "thủ phủ" sốt đất vùng ven Hà Nội bởi những mức giá khó tin. (Ảnh: Đức Thiện)

Theo lời kể lại của nhiều người, khi bán đất có tiền, ông Kiên trở nên hào sảng, những cuộc ăn chơi diễn ra đều đặn, bạn bè cũng nhiều lên và hiển nhiên ông luôn là “bao sạch” những cuộc ăn chơi này.

Ông Kiên khiến không ít người ngưỡng mộ, ghen tị vì không chỉ bán đất mà ông còn đầu tư tiền vào đất. Có vốn nhờ bán đất, ông Kiên cũng học đòi đi đầu tư để "ăn theo" cơn sốt đất mỗi ngày mỗi nóng. Ông dồn hết số tiền bán đất trước đó rồi vay thêm cả bên ngoài để đi mua đất ở Hòa Bình. Nhưng do chỉ là "tay ngang", không có kinh nghiệm, ông phải nhận trái đắng khi bị lừa mua đất với giá cắt cổ.

Lúc những khoản nợ đến hạn phải trả, ông Kiên phải bán tống bán tháo những lô đất tiền tỷ bên Hòa Bình với giá chỉ vài trăm triệu. Hết tiền, những người bạn từng ăn chơi với ông cũng không còn bên cạnh. Từ một “tỷ phú”, ông Kiên lâm vào cảnh nợ nần, phải bán nốt những mảnh đất còn lại để trả nợ.

Giấc mơ tỷ phú đến nhanh và đi cũng nhanh, ông Kiên và vợ rời làng đi làm thuê kiếm sống, chỉ để lại một ngôi nhà nhỏ để hai người con trai thi thoảng đi về.

“Nghe đâu ông ấy làm lái xe đưa đón công nhân ở dưới Hà Nội. Căn nhà của ông ấy cũng mới nhờ tôi rao bán hộ rồi”, một người dân bản địa nói khi thấy chúng tôi gặng hỏi về chủ của ngôi nhà khoảng 30m3 đang rao bán.

Cái kết thảm khi chạy theo ‘giấc mơ tỷ phú’ nhờ bán đất - 2

Dọc đường làng ngõ xóm của "thủ phủ sốt đất" Yên Bài, nhừng dòng chữ bán đất nguệch ngoạc, những biển bán bất động sản xuất hiện dày đặc. (Ảnh: Đức Thiện)

Không chỉ ở xã Yên Bài, tại vùng đất Đông Anh, chúng tôi cũng nghe thấy những câu chuyện tương tự. Huy, một tay “cò đất” ở xã Kim Chung (Đông Anh) thao thao bất tuyệt: “Các anh về đây tìm đất mà gặp em là gặp đúng người rồi. Em là thổ địa ở đây cả chục năm”.

Sau đó Huy liên tục giới thiệu về những mảnh đất, trong số đó không ít mảnh là do chủ nhân cần phải bán gấp để gán nợ.

Huy kể, hồi năm 2018, một người đàn ông tên Lục buộc phải bán rẻ mảnh đất khoảng 200 m2. Giá ngày đó khoảng hơn 4 tỷ đồng nhưng ông Lục phải bán gấp để có tiền trả nợ với giá 3,8 tỷ đồng.

Theo Huy, nhà ông Lục vốn có rất nhiều đất và đã giàu lên nhờ đất từ cách đây khoảng chục năm, nhưng sau đó vì làm ăn thua lỗ và nghe đâu có dính đến chơi bời, cờ bạc nên tiền của cứ đội nón ra đi, sau này mới phải bán nốt mảnh đất vuông vức đó để gán nợ.

“Khách mua được mảnh đất đó bây giờ lãi to. Nếu em có tiền mà ôm mảnh đấy thì bây giờ cũng có trong tay 5 - 6 tỷ đồng”, Huy tiếc nuối.

Huy cũng kể về nhiều người hiện không còn đất mà bán, trong khi tiền “vớ bẫm” từ những cơn sốt đất đã tiêu hết từ đời nào, giờ thậm chí còn ngập trong nợ nần, vì đất nông nghiệp còn đâu để mà làm ăn, trong khi chỉ có thể làm việc vặt để cầm cự.

Có lẽ chính vì những bài học “xương máu” này nên một số người dân trong những “thủ phủ” sốt đất ven Hà Nội hiện vẫn nhất quyết giữ đất hoặc nếu cần kíp lắm thì cũng chỉ cắt ra bán một phần vừa đủ để trang trải. Họ cho rằng những cơn “sốt đất” rồi sẽ nhanh chóng qua đi nhưng những cánh đồng trồng hoa, trồng rau xanh, hay những trang trại bò sữa vốn nuôi sống họ... sẽ không còn nữa, nếu không được giữ gìn.

(Theo VTC News)