- Gửi bài viết đến Góc phụ huynh chị Thanh Mai (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, có quá nhiều phụ huynh luôn có định kiến con cái phải nghe lời bố mẹ, cấm con trái ý nếu không sẽ bị chửi mắng, đòn roi. Tôi không nghĩ như thế, hãy lắng nghe xem vì sao con cãi?

Đứng ở góc độ của một phụ huynh, tôi nghĩ trẻ cần ngoan khi người lớn dạy dỗ các em biết tránh xa nơi nguy hiểm: không tắm ao hồ, leo trèo, không nghịch điện, nước sôi. Bố mẹ nghiêm khắc dạy dỗ uốn nắn con không được hỗn hào, trộm cắp.

{keywords}
Hình ảnh minh họa

Đấy là những điều mà tôi nghiêm khắc dạy con và nếu con cãi bướng, chắc chắn sẽ ăn roi. Nhưng tôi cũng không bắt bẻ là sao con cứ cãi lại bố mẹ vì trẻ nhỏ rất tò mò, muốn tìm hiểu cặn kẽ những gì chúng chưa hiểu hết.

Đơn giản như con xin tiền mẹ để mua quả địa cầu học môn Tự nhiên xã hội. Ngay lập tức, bố phản ứng "không phải mua phí tiền, ngày xưa bố đi học làm gì có quả địa cầu nào".

Mẹ phụ họa thêm"cô hỏi, cứ bảo mẹ em hết tiền hoặc mẹ em đi ra hiệu sách mua người ta bảo hết rồi". Con trai tôi khóc mếu "cô bảo con phải có để học, học mấy năm liền từ lớp 3 đến hết lớp 5 cơ".

Mẹ lại vòng vo"con cứ đi học đi, xem lớp con có bao nhiêu bạn mang quả địa cầu đi, mẹ đoán chắc chỉ có nửa lớp có thôi, con nhé". Con trai ấm ức khóc "cô bảo phải mua" làm tôi cũng suy nghĩ lại, mình có khắt khe quá với con không? Yêu cầu này của con, mẹ hoàn toàn đáp ứng được, vì mẹ sợ tốn thêm ít tiền nên mắng mỏ con vô lý. 

Con trai tôi hay cãi, mỗi lần cháu cãi lời bố mẹ thì tôi thường phải xem xét lại vấn đề một cách thấu đáo. Năm lớp 1 cháu ăn bán trú ở trường, lên lớp 2 con nằng nặc xin về nhà ăn cơm trưa vì nhà cách trường không xa lắm. Tôi rất bực vì cứ phải lo đưa đón con buổi trưa tan lớp, đầu giờ chiều vào học mất rất nhiều thời gian. Tôi thuyết phục con vẫn khăng khăng "con không thích các món ăn ở trường đâu".

Tôi ra điều kiện nếu con thích đi về thì con phải tự đi bộ tới trường. Mẹ hướng dẫn cách tham gia giao thông và căn dặn đi đứng sao cho an toàn, không được đi theo người lạ, không được nhận quà bánh của bất cứ ai. Nhiều hôm con về muộn khiến tôi đứng ngồi không yên vì lo lắng, phóng xe đi tìm thì thấy con đang trên đường về. 

Mẹ bảo con ngủ trưa để lấy sức chiều đến lớp. Cháu không thích và thường kiếm cớ trốn vào nhà vệ sinh đọc truyện. Nằm trên giường thì toàn nhắm mắt giả vờ ngủ. Mẹ đánh cho mấy lần vẫn không thay đổi. Ép con không được, tôi bèn nghĩ cách giao việc cho con làm. Ăn cơm xong, con rửa bát, quét nhà. Xong việc, đọc truyện một lúc rồi vào giường nằm, không ngủ cũng phải nằm cho đỡ mệt. Con thì biết giúp mẹ việc nhà, mẹ lại không phải quát tháo ầm ĩ vì con cãi bướng. 

Cãi lại bố mẹ, 3 anh em tôi vẫn ngoan 

Mỗi lúc bực tức định đánh con vì con hay cãi, tôi lập tức nhớ lại thời mình còn nhỏ.

Chị em tôi cũng toàn trốn ngủ buổi trưa để chơi các trò trẻ con như may váy áo búp bê, cắt hoa giấy, chơi ô ăn quan mải mê. Có nhiều hôm, chị em tôi đi hái rau lợn tận chiều muộn mới về, bố mẹ có mắng vài câu thì lần sau vẫn "đâu đóng đấy". 

Hồi đi học lớp 9, tôi trốn học ở nhà. Mẹ tôi biết được đánh một trận nên thân thì tôi trả lời rất ngang nhiên "thầy dạy không hay, con không thích học". Sau này thi trượt đại học, tôi lập tức đi học trung cấp mặc cho mẹ tôi tiếc rẻ khuyên tôi cố gắng thêm lần nữa. Tôi muốn mình không còn mang mặc cảm là đứa vô tích sự, bị người thân và bạn bè thương hại nên quyết tâm làm lại mọi thứ. Ở môi trường mới, tôi được đối xử bình đẳng như mọi người, không bị ai xét nét nên làm việc rất thoải mái. 

Mẹ tôi mong tôi học đại học nhưng lại muốn em tôi học trung cấp. Hồi ấy em tôi đỗ Học viện Tài chính kế toán và trung cấp bưu điện, mẹ cứ thiết tha mong em học trung cấp nghề vì lúc ấy ngành bưu điện đang là ngành hot, việc nhàn lương cao, dễ kiếm chồng. Tôi xui em, em đã cố gắng quyết tâm thi đại học lần 2 mới đỗ thì phải đi học đại học, đừng nghe lời mẹ, phải sống cho mơ ước của mình chứ. Em tôi ra trường, tự tìm việc làm và có đồng lương xứng đáng. Mẹ tôi lúc nào cũng tự hào về con gái út giỏi giang. May mà hồi ấy em cãi lời mẹ, tôi thường trêu mẹ tôi như thế.  

Anh trai tôi là người tự lập, khái tính. Mẹ cứ chê anh dại, dì tôi cho anh tiền đi học, anh không nhận mà gửi trả lại dì. Mọi người chê anh tiết kiệm thái quá khi tận dụng mặc cả áo cũ của bố đi học, tiền dư anh dùng mua sách vở học tập. Nhưng nếu không lo xa, chỉn chu như thế thì với đồng lương công nhân, anh đi làm vài năm đã lo vay mượn mua đất, xây nhà.....

Sao phải cấm con không được cãi lại?

Tôi có một người bạn học rất giỏi, suốt nhiều năm đi học bạn là đứa con ngoan luôn nghe lời cha mẹ. Bố mẹ chỉ yêu cầu bạn học giỏi, đến nỗi là sinh viên đại học nhưng mẹ vẫn cứ lo cho con trai từ những việc nhỏ nhất.

Khi ra trường, bố mẹ bạn lại yêu cầu bạn phải vào nơi này nơi kia mà bố mẹ đã nhắm sẵn. Chắc hẳn do bố mẹ ép buộc quá nhiều, bạn tôi phải vâng lời quá nhiều mà khi đi làm, đối diện với đời sống thực tế khắc nghiệt, bạn ấy đã sốc nặng tới mức trầm cảm mấy năm. Hình ảnh bạn tiều tụy hôm họp lớp khiến tôi ám ảnh, vừa thương vừa trách bố mẹ bạn đã định hướng con ngoan thật sai lầm.

Có quá nhiều phụ huynh luôn có định kiến con cái phải nghe lời bố mẹ, cấm con trái ý nếu không sẽ bị chửi mắng, đòn roi. 

Tôi không nghĩ như thế, hãy lắng nghe xem vì sao con cãi, con có lý do gì và mình đã thực sự hiểu con cần gì, thích gì và thiếu thốn những gì chưa? 

Cãi nói cho chuẩn, chính là cách mà mỗi người thể hiện quan điểm bản thân một cách thẳng thắn nhất. Nên chẳng có cớ gì mà tôi lại cấm con không được cãi lại bố mẹ.

Bạn có cùng quan điểm hoặc ý kiến khác xin gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ đăng tải tại chuyên mục Giáo dục.
  • Thanh Mai (Đông Anh - Hà Nội)