Tại Tiền Giang, nhờ những nỗ lực giảm nghèo, đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 0,97%. Trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh này nỗ lực huy động tốt các nguồn lực, phấn đấu giúp khoảng 490 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,87%.

Ngay từ đầu năm 2024, kế hoạch giảm nghèo được UBND tỉnh triển khai đến toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh. Tại huyện Cai Lậy, huyện được phân bổ hơn 7,2 tỷ đồng thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở chỉ tiêu giảm hộ nghèo của tỉnh, huyện Cai Lậy giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn; tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân tiếp cận thông tin về các chính sách hỗ trợ của nhà nước…

Việc lên kế hoạch giảm nghèo cụ thể của huyện, xã được thực hiện trên cơ sở rà soát nhu cầu của hộ gia đình về sinh kế, vốn, học nghề, tạo việc làm… Đây là thông tin quan trọng để có chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. 

Từ kinh phí của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Cai Lậy thực hiện 15 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

W-lúa An Giang   Nguyễn Huế 20.jpg
 Năm 2024, huyện Cai Lậy có 104 hộ thoát nghèo. Nhiều gia đình thêm hi vọng thoát nghèo nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế.

Gia đình anh Lê Minh Nhặng, hộ cận nghèo ở ấp 8, xã Mỹ Thành Nam, được tham gia dự án nuôi bò vỗ béo. Trước khi được hỗ trợ con giống, gia đình anh quyết định xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, mong sao sinh kế này sẽ hiện thực hoá nguyện vọng thoát cận nghèo. Quá trình tham gia dự án, anh được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. 

Tại xã Phú An, các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cũng được triển khai hiệu quả, qua đó, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Võ Thị Thùy Dương, ấp 2, xã Phú An là 1 trong 10 hộ gia đình tham gia dự án nuôi dê sinh sản. Cũng giống anh Nhặng, được hỗ trợ con giống từ dự án, chị Dương đầu tư làm chuồng trại để chăn nuôi, tận dụng nguồn cây, cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho đàn dê.

"Gia đình không có đất canh tác, làm thuê kiếm sống nên mô hình đã gợi hướng đi mới để tôi có thêm thu nhập, nuôi hai con ăn học", chị Dương chia sẻ.

Các hoạt động đào tạo nghề, mở cơ hội việc làm cho lao động nông thôn nói chung và người dân nghèo, cận nghèo nói riêng được Cai Lậy quan tâm. Năm nay, xã Phú An phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức lớp dạy nghề nấu ăn và nuôi lươn cho 65 học viên.

Ông Nguyễn Văn Hai, ấp 1, xã Phú An, là một trong các học viên tham gia lớp dạy nghề này. Gần 3 tháng học tập, ông Hai và các học viên được hướng dẫn lý thuyết kết hợp thực hành phương pháp nuôi lươn trong bể có bùn và bể không bùn, phòng trị một số bệnh thường gặp, kỹ thuật sinh sản nhân tạo... Kiến thức từ lớp học giúp ông Hai quyết định cải tạo chuồng heo cũ, trải bạt để thả nuôi 8 cặp lươn sinh sản, 500 lươn con.  

Cùng với các lớp dạy nghề nuôi lươn, năm nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp mở 8 lớp dạy nghề cho 295 lao động nông thôn với các nghề: trồng và chăm sóc cây sầu riêng, nấu ăn. Các lớp học nghề giúp lao động trang bị kiến thức, kỹ thuật cơ bản, đa dạng các ngành nghề để tăng thu nhập gia đình. 

Bên cạnh đó, trong năm 2024, huyện Cai Lậy phối hợp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tư vấn, giới thiệu việc làm… cho hơn 1.800 lao động. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy đã giải ngân cho 493 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay phát triển sản xuất, dư nợ gần 22 tỷ đồng.

Từ các chính sách hỗ trợ và ý thức vươn lên của từng gia đình, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Cai Lậy giảm dần qua từng năm. Năm 2024, huyện có 104 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 0,71%, hộ cận nghèo 1,77%.