Đi lễ chùa, vãn cảnh là thú vui của nhiều người trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Thế nhưng tự lái xe ô tô đi xa khi tay lái vẫn non, đường sá đông đúc và đặc biệt là du xuân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay lại ẩn chứa nhiều rủi ro mà mọi người cần cân nhắc.
Bất chấp dịch bệnh, nhiều đền chùa những ngày đầu năm vẫn khá đông đúc. (Ảnh: Hoàng Hiệp) |
Dưới đây là chia sẻ của anh Phan Hoàng Hải, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội về câu chuyện của gia đình mình:
Tôi năm nay 35 tuổi, có vợ và một con trai. Hai vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, cô ấy làm kinh doanh tự do và khá năng động. Đặc biệt, vợ tôi còn là một người rất “tín”, thường xuyên đi chùa, đền vào tuần rằm, mùng một.
Những năm trước, cứ ra Tết là vợ tôi đi lễ gần như nguyên cả tháng Giêng, không chỉ loanh quanh Hà Nội mà còn khắp các tỉnh từ Lào Cai đến Lạng Sơn, rồi Quảng Ninh, Thanh Hoá,…
Thường thì tôi rất ủng hộ và nhiều lần còn sắp xếp công việc để đưa vợ cùng đi bằng ô tô của gia đình. Tôi cho rằng, đi chùa đầu năm rất tốt, không chỉ để cầu sức khỏe, tài lộc cho bản thân và người trong gia đình mà còn để du xuân, trải nghiệm cũng như tìm lấy những giây phút bình yên, vui vẻ trong cuộc sống.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm nay chúng tôi không đi lễ được nhiều. Vợ tôi cũng ít nhắc đến việc đi chùa, du xuân hơn. Thế nhưng, cách đây 2 hôm, cô ấy bỗng “xanh rờn” thông báo: “Chủ nhật tuần này này em lấy xe đi lễ ở Thanh Hoá với mấy đứa bạn từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Anh ở nhà trông con”.
Ngay lúc đó, tôi phản ứng gay gắt và không đồng ý. Bởi lẽ, đang trong thời gian dịch bệnh, hầu hết các đền chùa đều hạn chế mở cửa, tập trung đông người để phòng chống dịch. Ngoài ra, tôi thấy mấy chị em toàn phụ nữ ít kinh nghiệm, lại tự lái xe đi xa vài trăm cây số là rất nguy hiểm, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tự lái xe đường dài là thử thách với nhiều chị em phụ nữ. (Ảnh: Độc giả Phan Hoàng Hải) |
Lại nói về vợ tôi, cô ấy đã đi học và có giấy phép lái xe ô tô được 2 năm, thế nhưng cũng chỉ dám lái xe loanh quanh ở những cung đường vắng gần nhà, mới đi xa 1-2 lần, tay lái còn khá non. Không phải là không tin vợ nhưng tôi nghĩ là “trình” của cô ấy chưa đủ để có thể lái xe đường dài cả ngày như vậy.
Tôi phân tích một hồi nhưng với bản tính khá “cứng đầu”, vợ tôi nhất quyết không nghe và vẫn nằng nặc đòi tự lái xe đi vì đã lên lịch trình, chuẩn bị đồ đạc cùng nhóm bạn rồi.
Không những thế, còn “khích tướng” tôi rằng, việc tôi ngăn cản không cho vợ đi du xuân chẳng qua là sợ… hỏng xe. Rồi lấy lý lẽ, chiếc xe là tài sản chung, tôi không được quyền giữ bo bo như vậy,…
Tôi rất bực nhưng cũng không muốn vì chuyện đi lễ chùa, du xuân mà vợ chồng đã lục đục cãi nhau ngay từ những ngày đầu năm. Nhưng nếu thoả theo yêu cầu của cô ấy cho “yên cửa yên nhà” thì tôi sẽ như ngồi trên đống lửa vậy.
Mong nhận được lời khuyên từ mọi người
Độc giả Phan Hoàng Hải (Hà Đông, Hà Nội)
Bạn có góc nhìn nào với câu chuyện trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô Xe máy theo địa chỉ: otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!
Những thói xấu của tài xế Việt cần thay đổi trong năm mới
Lái xe toàn mùi “hồng xiêm”, bấm còi vô tội vạ, vô tư bật đèn pha “bắn” thẳng vào mắt người đối diện,… là những thói quen xấu mà tài xế Việt cần phải thay đổi trong năm mới.