Một thời "ăn đèn ngủ điện"
Cải tạo lưới điện nông thôn, vấn đề điện nông thôn nước ta đứng trước những yêu cầu và thách thức rất lớn, đó là: Hàng nghìn xã, hàng triệu hộ dân nông thôn chưa có điện lưới quốc gia; nhiều hộ nông thôn tuy có điện, nhưng phải sống trong cảnh "ăn đèn ngủ điện", tức là điện "chập chờn" khi cần thì không có, lúc đi ngủ lại "bừng sáng".
Cải tạo lưới điện, góp xây dựng nông thôn mới. |
Để cải tạo lưới điện nông thôn cần đầu tư rất lớn, ước tính khoảng 3 tỷ USD, nhưng vì đây là loại đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, không mang lại hiệu quả tài chính kinh doanh cho doanh nghiệp, nên không thể vay vốn các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
Trước những khó khăn của nguồn vốn trong nước, cùng với việc hằng năm EVN dành nguồn vốn khấu hao cơ bản hơn 400 tỷ đồng/năm để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từng bước với mục tiêu trước mắt là đưa điện đến trung tâm huyện, trung tâm xã với khoảng 60% số hộ dân trong xã. Mặt khác, với sự cam kết của Chính phủ, EVN đã tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách, tổ chức quản lý và tăng cường lực lượng để có thể đảm nhận vai trò chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cho chương trình cải tạo lưới điện nông thôn.
Nhờ có điện, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày
Mở đầu bằng việc thực hiện Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (REI) có tổng vốn đầu tư hơn 3.294 tỷ đồng, trong đó vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, cấp điện cho 976 xã với hơn 550.000 hộ dân; tiếp đến là Dự án "Điện khí hóa nông thôn miền Nam" có tổng vốn đầu tư 395 tỷ đồng, trong đó vay AFD là 19 triệu EUR cấp điện cho 138 xã với 155.000 hộ dân.
Với tổng vốn đầu tư là 5.356 tỷ đồng theo cơ chế đặc biệt của Chính phủ, trong đó vốn ngân sách cấp 85% (4.600 tỷ đồng) và vốn của EVN 15% (756 tỷ đồng), từ năm 1998 đến nay, EVN đã và đang triển khai thực hiện các Dự án cấp điện cho các hộ dân "chưa có điện" khu vực Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La với 52.725 hộ dân; cấp điện cho 1.331 thôn, bản tại năm tỉnh Tây Nguyên với tổng số hơn 116.000 hộ dân và đưa điện đến hơn 91 nghìn hộ dân chủ yếu là đồng bào Khmer khu vực Tây Nam Bộ gồm các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Thực hiện Quyết định 22/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tiếp nhận, quản lý vận hành và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn trong cả nước với 18.475 công trình, hơn 22 nghìn km đường dây trung áp và 28.442 trạm biến áp từ các tổ chức quản lý điện địa phương.
Đồng thời, để quản lý và bán điện trực tiếp tại 8/12 huyện đảo, EVN đã đầu tư điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không ra các huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng phục vụ 17.600 hộ dân trên hai huyện đảo này. Và dự án đường dây trên không ra huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) với tổng mức 48 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 800 hộ dân trên huyện đảo.
Đến nay EVN đã đưa số xã có điện lưới quốc gia từ 6.673 xã lên hơn 9.000 xã, đạt tỷ lệ 99,08%. Qua đó số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia cũng tăng từ 7,1 triệu hộ lên hơn 16,2 triệu hộ, đạt tỷ lệ 97,53%, tăng thêm hơn 9,0 triệu hộ.
Nhờ có điện, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày, là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của các hộ dân nông thôn. Tỷ lệ đói nghèo của khu vực nông thôn giảm từ 37,4% năm 1998 xuống còn 9,9% năm 2013.
Bài: Lê Tuyết Nhung - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV