Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 người khuyết tật, gồm cả những người khuyết tật đang sinh sống tại cộng đồng và những người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ công lập và ngoài công lập.

ảnh bài 12.jpg
Một số người khuyết tật gặp khó khăn về kinh tế đã được hỗ trợ phục hồi chức năng. Ảnh: Bình Minh

Từ năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống thông qua các hoạt động như hỗ trợ mua hoặc trang bị dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng; hỗ trợ điều trị bệnh…

Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng đã được tổ chức nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho người khuyết tật.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật năm 2025, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp người khuyết tật, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

Trong đó đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể như: 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định; 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định.

50% huyện, thị xã, thành phố có câu lạc bộ thể dục thể thao cho người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 10% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 

Đặc biệt, người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 1/4 tỷ lệ chung toàn tỉnh.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, trong năm 2025, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động chính gồm: Tăng cường tổ chức tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và toàn xã hội về công tác trợ giúp người khuyết tật; Tổ chức các lớp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về người khuyết tật; đồng thời kiểm tra đánh giá thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật.

Đa dạng hoạt động trợ giúp người khuyết tật sẽ được triển khai trong thời gian tới trong các lĩnh vực: pháp lý, y tế, giáo dục, nghề nghiệp và việc làm; phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; du lịch…

UBND tỉnh cũng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức thực hiện hoạt động tuyên truyền về các chính sách pháp luật về người khuyết tật; Xây dựng chuyên mục về trợ giúp người khuyết tật phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; Biên soạn, phát hành bằng hình thức phù hợp tài liệu truyền thông nhằm giảm định kiến, kỳ thị đối với người khuyết tật; hướng dẫn truyền thông về người khuyết tật 

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật.

Sở Giáo dục và Đào tạo bảo đảm các điều kiện dạy và học (đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, dụng cụ dạy và học, môi trường học tập bình đẳng không phân biệt...) phù hợp với người khuyết tật. 

Sở Du lịch chủ trì thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên chuyên biệt về kỹ năng phương pháp hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động du lịch. 

Bình Minh