Hiện nay, thực trạng dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số rất đáng báo động. Việt Nam với gánh nặng 3 lần về suy dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng nhẹ cân và thể thừa cân béo phì. 

Chênh lệch các chỉ số dinh dưỡng giữa vùng miền vẫn còn cách biệt đáng kể. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quôc trung bình là 19,6%, trong đó ở miền núi phía Bắc chiếm 37,4%, Tây Nguyên 28,8%, miền Trung là 17,4%, đồng bằng sông Hồng 11,2%, đồng bằng sông Cửu Long 12,4% và thấp nhất là Đông Nam Bộ 9,7%. Trong đó chênh lệch vùng thành thị - nông thôn- miền núi tương ứng là 12.4%-14,9% và 38%. Đặc biệt, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần người Kinh.

Hiện nay, chênh lệch các chỉ số dinh dưỡng giữa vùng miền vẫn còn cách biệt đáng kể. 

Để giải quyết các vấn đề về sức khỏe và suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 đã xây dựng Dự án số 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em. 

Những mục tiêu cần đạt của hoạt động dinh dưỡng trong Dự án 7 là cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và tình trạng thiếu năng lượng trường diễn của phụ nữ tuổi sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 28% đến năm 2025; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gày còm xuống dưới 5% đến năm 2025; Giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 10% đến năm 2025.

Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng Vitamin A huyết thanh thấp xuống dưới 13% vào năm 2025; Giảm tỷ lệ Vitamin A trong sữa mẹ thấp ở phụ nữ cho con bú xuống dưới 20% vào năm 2025...

Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp dịch vụ tại các tuyến về chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời. Xây dựng chương trình và tài liệu tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời; Tập huấn nâng cao năng lực cho người cung cấp dịch vụ tuyến tỉnh, huyện, xã về chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời.

Triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời; hỗ trợ cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ bao gồm trường hợp khẩn cấp bằng cung cấp viên sắt cho bà mẹ mang thai; cấp phát sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ 6-23 tháng bị suy dinh dưỡng: bột đa vi chất; phát hiện, điều trị và quản lý trẻ suy dinh dưỡng cấp tính;  củng cố và hoàn thiện hệ thống chuyên trách và CTV dinh dưỡng

Năm 2022, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa tài liệu về Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời, tài liệu tập huấn cho cán bộ y tế và nhân viên y tế thôn bản, tài liệu hướng dẫn các mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời.

Tổ chức tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho cán bộ tuyến tỉnh, tập huấn elearning Mặt trời bé thơ cho cán bộ tỉnh (học trên mạng); tập huấn TOT giảng viên tuyến tỉnh cho CSDD 1000 ngày đầu đời (trực tiếp); lớp dinh dưỡng cộng đồng 1 tháng (qua zoom) cho cán bộ tuyến tỉnh.

Ngoài ra, triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Cà Mau với các hoạt động khảo sát ban đầu và xây dựng kế hoạch với tỉnh, đề xuất mô hình phù hợp.

Văn Hùng, Tuấn Kiệt, Thanh Hùng