Thành cổ Quảng Trị là nơi an nghỉ của hàng nghìn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để giành lại từng tấc đất. Chiến tranh ác liệt, số lượng các chiến sỹ hy sinh không thống kê hết. Các anh không có tên, tuổi, ngày mất,... chỉ có mâm cỗ vào ngày giỗ 16/9 trước nấm mồ chung của mình.

Mâm cỗ chung 

Đã thành thông lệ, ngày 16/9 hàng năm, chúng tôi lại cùng hàng trăm người dân trên khắp mọi miền đất nước có mặt tại Thành cổ Quảng Trị để thắp nén nhang thơm, tri ân cho hàng nghìn liệt sỹ đang an nghỉ tại mảnh đất thiêng này. 

Bởi đây là ngày giỗ chung của hàng nghìn chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh trong 81 ngày đêm khốc liệt.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao

Quảng Trị là địa bàn đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi diễn ra những trận đánh dữ dội nhất, điển hình là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ 28/6/1972 đến 16/9/1972). 

Năm nay đúng 50 năm ngày các anh ngã xuống, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Thành cổ.

Để ghi nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, gần 20 năm nay, vào lúc 17h ngày 16/9, Ban quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị lại bày biện một mâm cỗ trước nấm mồ chung của các anh. 

Mâm cỗ chung cho hàng nghìn chiến sỹ hy sinh được đặt trang trọng trước nấm mồ chung

Mâm cỗ của ngày giỗ chung cho hàng nghìn người nhưng rất đơn giản, nhỏ gọn; tuy nhiên cũng đầy đủ bánh trái, hoa quả, chè, nến.

Trong không khí trang nghiêm, tưởng nhớ và tri ân trước hương linh các liệt sỹ, từng đoàn người nối chân nhau dâng hương, dâng hoa. Đến với thành cổ, ai ai cũng muốn tự tay mình thắp một nén nhang thay cho sự biết ơn gửi đến các anh.

Người dân thắp nén hương tri ân trước hương linh các chiến sỹ đã ngã xuống

Bà Cáp Thị Thiên Trang – Trưởng ban quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị chia sẻ: “Sau sự kiện 81 ngày đêm khốc liệt, Ban quản lý Di tích mong muốn chọn một ngày để tri ân hàng nghìn chiến sỹ Thành cổ đã ngã xuống, ngày giỗ chung này phải khác với ngày 27/7 nhân dân cả nước tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Sau đó, đơn vị chọn một ngày trong sự kiện 81 ngày này và rồi quyết định chọn ngày cuối cùng - 16/9 là ngày giỗ chung cho các liệt sỹ đã hi sinh tại đây ”

Đoàn khách từ TP.HCM ra thắp hương cho các chiến sỹ 

Bà Trang cũng cho biết thêm, lúc đầu việc làm lễ giỗ chung cho hàng nghìn liệt sỹ là công việc của đơn vị. Dần dần, khách du lịch khắp nơi biết đến và họ cũng chọn ngày này để đến thắp hương cho các anh.

Việc thắp hương tri ân cho vào ngày thường đã rất ý nghĩa, thắp hương vào đúng ngày giỗ của các anh thì ý nghĩa càng được nhân lên gấp bội lần.

Nhiều đoàn khách đến Thành cổ Quảng Trị để thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ đúng ngày giỗ chung

Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi, quê ở Hà Nội) bộc bạch: “Cứ đến ngày 16/9, tôi cùng đồng nghiệp lại sắp xếp vào Thành cổ Quảng Trị để thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ trước hương linh các anh hùng liệt sỹ. 

Thành cổ Quảng Trị về đêm

Mặc dù đã đến đây nhiều lần nhưng khi nghe lại những câu chuyện về 81 ngày đêm chiến đấu của các chiến sỹ, lần nào tôi cũng xúc động. Đối với tôi, ngày giỗ chung này có ý nghĩa rất quan trọng, để các thế hệ sau nhớ đến công lao của các anh và nhắc nhở bản thân phải sống có ích với gia đình và xã hội”. 

Hương Lài