Bên cạnh hình thức phổ biến trả lương theo tháng, dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 khuyến khích người sử dụng lao động trả lương theo giờ và tuần cho những công việc cụ thể. Đồng thời, Dự thảo còn cấm việc ép người lao động dùng lương mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của chủ sử dụng lao động.

{keywords}
 

Theo đó, Dự thảo quy định người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận. Lần sửa đổi này, Dự thảo đã bổ sung giới hạn thời gian trả lương theo các hình thức trên, là: Tối đa không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Về hình thức trả lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Nhằm hồ trợ cho những trường hợp công việc thời vụ hay khoán, thời gian ngắn và khó có thể liên hệ giữa 2 bên, Dự thảo quy định rõ thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm cố định.

Các trường hợp đặc biệt khi trả lương, Dự thảo lần này cũng bổ sung cho rõ hơn: Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Đồng thời, người sử dụng lao động trong trường hợp trên nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không thể trả lương trực tiếp cho người lao động thì có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Dự thảo cũng quy định, trong mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và tiền bị khấu trừ (nếu có).

Được biết tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2019, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được các đại biểu quốc hội bỏ phiếu thông qua. Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019, Bộ LĐ-TB&XH thừa uỷ quyền của Chính phủ đã trình dự thảo sửa đổi tới các đại biểu quốc hội để lấy ý kiến.

Dự thảo quy định, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được dùng vũ lực, thủ đoạn ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động bán hoặc của đơn vị bán mà người sử dụng lao động chỉ định.

(Theo Dân trí)