- Đến Roma ghé Tòa thánh Vatican và nếu không tham quan Nhà nguyện Sistine xem ra chưa biết gì về tri thức nhân loại được lưu giữ ở nơi này từ những họa phẩm kiệt tác của các danh họa, đặc biệt kiệt tác trên trần vòm nhà nguyện của Michelangelo Buonarotti (1475-1564), còn được gọi là “Người siêu phàm”- Il Divino của thời kỳ Phục Hưng. Xã Hội Vạn Vật Trí tuệ Nhân tạo AIWS vinh danh tác phẩm này là Thành Tựu Mỹ Thuật Cho Muôn Đời, và Michelangelo cùng với Leonardo Da Vinci, Raffaello Sanzio da U rbino là những hoạ sỹ bất tử.
Tôi đã từng say mê những tiểu thuyết trinh thám mang tính huyền bí ảo diệu liên quan đến những bức tranh Thánh và biểu tượng cổ xưa trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Vatican của tiểu thuyết gia Dan Brown: Thiên thần và ác quỷ (Angels and demons), Mật mã Da Vinci (The Da Vinci code), Biểu tượng thất truyền (The Lost Symbol), Hỏa ngục (Inferno). Và chính điều đó đưa tôi đến với “Đại kiệt tác” của danh họa Michelangelo trên vòm trần Nhà nguyện Sistine.
Phải ngửa cổ lên với một góc khá rộng, và phải di chuyển ánh mắt ngắm nhìn một cách thật chậm, mới có thể hình dung được toàn cảnh “Đại kiệt tác” thể hiện câu chuyện “Sáng thế” trong Kinh Cựu ước của lịch sử Thiên Chúa giáo. Cảm giác đầu tiên của tôi là choáng ngợp đến thắt ngực bởi chính sự lộng lẫy kỳ vĩ của bức họa khổng lồ, một thiên đường mỹ lệ chỉ có thể có trong những giấc mơ thần tiên kỳ ảo.
Tôi như một người tí hon đang chiêm ngưỡng thiên đường thần thánh uy nghiêm, tôn kính và linh diệu, với những câu chuyện mê hoặc của các vị Thần suốt 5 thế kỷ nay truyền mê lực cảm hứng tìm hiều về nhân gian, vũ trụ đến hàng tỉ người của hành tinh trái đất.
Một “Đại kiệt tác” tưởng chừng như không thể là do người trần có thể sáng tạo ra, nhưng cũng chính vì thế mà Michelangelo đã trở thành “siêu nhân” của thời kỳ Phục Hưng, và có lẽ mãi là “siêu nhân” của nghệ thuật bích họa nhân loại. Ông cũng là nghệ sĩ duy nhất được ghi chép đầy đủ nhất về tiểu sử cuộc đời trong thế kỷ 16, ngay khi ông còn đang sống.
Michenlangelo, nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ, gương mặt sáng giá nhất, tinh anh của các tinh anh thời Phục Hưng của châu Âu, sinh ngày 6/3/1475 (mất 18/2/1564) tại ngôi làng nhỏ Caprese, gần Arezzo, Tuscany, Italia, mồ côi mẹ khi lên 7 tuổi, lớn lên dưới sự chăm sóc của một người thợ đá. Có lẽ thế mà ngay từ khi còn trẻ, ông đã chứng tỏ tài năng xuất chúng về điêu khắc đá.
Những tảng đá cẩm thạch rắn chắc, dưới ngón tay “đục đẽo” tinh tế của ông trở nên mềm mại sống động như có hơi thở phả hồn vào. Hai trong số các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Michelangelo là Đức mẹ sầu bi (Pieta) và Vua David được thực hiện khi ông chưa tới tuổi 30.
Quay lại với “Đại kiệt tác” vòm nhà nguyện Sistine tại Thánh đường Vatican của Michelangelo cho đến 5 thế kỷ sau, vẫn còn gây nghi hoặc phải chăng có bàn tay của Đức Chúa Trời giúp ông hoàn thành tuyệt phẩm kể lại câu chuyện của các vị Thần này cho nhân gian muôn đời sau?
Nhà nguyện Sistine được xây dựng cuối thế kỷ XV. Trước đó, các danh họa thời Phục Hưng như Botticelli, Perugino đã từng vẽ một số bích họa lên tường của nhà thờ, nhưng vị trí khó nhất là khu vực trên trần của mái vòm, họ đã không thể thực hiện được nên “dành” cho các thế hệ sau tiếp tục.
Vòm mái của Nhà nguyện Sistine có diện tích 540 m2, một diện tích khổng lồ mà ngay cả nếu là mặt đất để vẽ lên đó một tác phẩm cũng là một thử thách không hề nhỏ. Vậy mà Michelangelo đã thực hiện được một siêu phẩm bích họa như một kỳ tích độc nhất vô nhị của thế giới loài người.
Đồn rằng, ban đầu ông cũng không có hứng thú lắm với việc thực hiện bích họa trên vòm Nhà nguyện, nhưng phong thanh nhiều kẻ đố kị tài năng của ông muốn làm khó để hạ uy tín danh tiếng, ông quyết tâm thực hiện bức bích họa để đời, cả về quy mô, và trình độ mỹ thuật với những rung cảm nghệ thuật đỉnh cao, để cho những kẻ ghen ghét ông phải tâm phục khầu phục.
Với một độ cao hàng mấy chục mét, lại ỡ một vị trí rất chông chênh, theo mô tả, ông phải trèo lên một giàn giáo rất cao, ngửa cổ, cong lưng vẽ lên trần trong một tư thế tro người lơ lửng rất khó khăn, liên tục trong 4 năm 3 tháng trời ròng rã… Và ngày 1/11/1512, “Đại kiệt tác” trên vòm nhà nguyện Sistine l đã được khánh thành. Bức bích họa có hơn 300 nhân vật và 9 tình tiết trung tâm lấy ý tưởng từ Sách Khải huyền: Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối; Chúa Trời sáng tạo mặt trời, mặt trăng và trái đất; Chúa Trời phân rẽ đất và biển; Chúa Trời tạo ra Adam; Chúa Trời tạo ra Eve; Cám dỗ và loài người sa đọa; Noah hiến tế; Đại hồng thủy; Noah say rượu.
Với chủ đề là câu chuyện “Sáng thế ” trong kinh Cựu ước, được tạo thành từ 9 bức tranh liên kết lại, chia thành ba nhóm: Sự sáng tạo Thế giới gồm Thiên đường và Trái đất của Chúa; Chúa tạo ra Adam- Eva và loài người, sự quyến rũ và sa ngã của Adam- Eva trong Vườn Địa đàng; Trận Đại hồng thủy, và sự cầu khẩn Chúa của loài người, đặc biệt là của gia đình Noah.
Bao quanh 9 bức tranh, trên các vòm tam giác đỡ mái là tổ hợp 12 bức họa về 12 nhà tiên tri gồm 7 nhà tiên tri Israel và 5 bà đồng tiên tri của thế giới cổ đại khác nhau trong lịch sử đã tiên đoán về sự xuất hiện của Chúa Jesus; 4 câu chuyện trong Kinh Thánh về Moses, Esther, David và Judith; Những người xuất hiện trong phả hệ của Chúa Jesus; và hình tượng một số các lực sĩ tô điểm cho toàn bộ tổ hợp bức họa.
Điểm đặc biệt của 9 bức tranh này là Michelangelo đã đảo ngược thứ tự thời gian, từ “Noah say rượu” cho tới “Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối”. Một số học giả cho rằng Michelangelo muốn diễn tả một quá trình con người đi từ thế giới vật chất tới thế giới tâm linh và quay trở về với nguồn cội của chính mình?
Một trong 9 bức bích họa là “Sự phán xét cuối cùng” và chi tiết kinh điển "Chúa truyền sự sống cho Adam" được coi là trung tâm và điểm hội tụ của “Đại kiệt tác” này. Chi tiết này đã là cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao sau này, kể cả với điện ảnh, môn nghệ thuật thứ 7 của thế giới loài người.
Michenlangelo đã vẽ Adam nằm trên mặt đất với tất cả sức mạnh và vẻ đẹp xứng đáng với con người đầu tiên trên trái đất; Chúa Cha đang tiến lại từ một phía khác, được đỡ nâng bởi các Thiên thần của Người, quấn một tấm áo choàng rộng và oai nghi bung ra như một cánh buồm được gió thổi, gợi lên sự thoải mái và tốc độ khi Người lướt đi trong khoảng không.
Lúc Người đưa bàn tay ra, dù không chạm vào ngón tay của Adam, vẫn cảm thấy Adam thức dậy từ trong một giấc ngủ triền miên, nhìn vào gương mặt chan chứa tình yêu thương phụ tử của Đấng Tạo Dựng mình. Đôi mắt quyền uy của Người bắt gặp ánh mắt trông đợi của Adam. Và từ ngón tay phải của Người, như một luồng ý niệm thần thánh di chuyển tới Adam, truyền hơi thở, sự sống cho con người đầu tiên…
Mỗi nét vẽ đều tinh tế, trong sáng, thánh thiện, mang theo sự tôn kính vô hạn và niềm tin với Thiên đường, nổi bật một tâm hồn thần thánh thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những ưu phiền nơi trần gian. Các nhân vật trong bức họa gần như nude, nhưng những hình ảnh này không gây ra bất cứ tạp niệm nào.
Michelangelo đã vẽ họ như những con người mạnh mẽ, đắm mình trong suy tư, đọc, viết, tranh luận, hay đang lắng nghe tiếng nói từ nội tâm, để tìm hiểu, để chạm vào, để hòa mình, để điều khiển theo ý, để sáng tạo và tinh lọc những tinh hoa…
Riêng tôi khi ngắm “Đại kiệt tác” của Michelangelo trên trần vòm Nhà nguyện Sistine, không chỉ thán phục một tài năng kiệt xuất đã tạo nên một tuyệt phẩm bích họa đỉnh cao của nhân loại, mà còn như cảm nhận rất nhiều thông điệp tri thức tổng hợp được gửi gắm. Trên hết, cảm nhận “năng lượng” bí ẩn từ bức bích họa trên vòm trần kia như tỏa xuống, bao trùm, mang đến nguồn cảm hứng bất tận để khám phá và hiểu biết tri thức nhân loại.
Mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà trời đất ban tặng cho nhân loại. Mỗi nền văn minh của các quốc gia đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của các Thần linh. Khi nghệ thuật đạt đến sự toàn bích hoàn mỹ thì những tác phẩm nghệ thuật đều gửi rất nhiều thông điệp tri thức nhân loại trong đó cho hậu thế, như một cách lưu giữ và để phát huy những tinh hoa.
Hoài Hương