"Cảm ơn bà vì đã không bắn tôi, nếu chúng ta chĩa súng vào nhau thì đâu có cuộc trùng phùng hôm nay"

Kỳ 1: Nhà báo Mỹ 'góp nhặt' nỗi đau chiến tranh Việt Nam

Kỳ 2: Sao người Việt Nam không ghét người Mỹ?

Kỳ 3: "Không ai trên đời mong trở thành Bà mẹ Anh hùng!"

Hình ảnh 'O du kích nhỏ giương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu" đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của sự bất khuất 'bé nhỏ chống lại khổng lồ' của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống xâm lược.

O du kích cao 1,47m và nặng 37kg Phạm Thị Kim Lai và 'tên lính' Mỹ William Andrew Robinson cao 2,2m, nặng 125kg nổi tiếng khắp thế giới sau khi bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan ghi lại khoảnh khắc cô du kích áp giải người lính phi công vừa bị bắn hạ ngày 20/9/1965.

Năm 1995, Hãng NHK (Nhật Bản) phối hợp với Đoàn làm phim tư liệu Trung ương Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Cuộc hội ngộ sau 30 năm, đã tổ chức cho William Andrew Robinson gặp lại o Lai.

Sau khi nhận xét "bà vẫn không lớn được bao nhiêu". William Andrew Robinson kể lại khi bị phát hiện, ông đang nấp trong một cái hang và phát hiện o Lai đang đến nhưng không rút súng "vì trông bà nhỏ quá".

Còn o Lai cũng kể khi bà phát hiện William đang nấp "như con gấu" trong hang đã bình tĩnh bắn chỉ thiên mà không chĩa súng vào người ông.

"Cảm ơn bà vì đã không bắn tôi, nếu chúng ta chĩa súng vào nhau thì đâu có cuộc trùng phùng hôm nay"

Hiện nay William Andrew Robinson đang sống Florida, Mỹ. O du kích Phạm Thị Kim Lai giờ thành bà nội/ngoại hiện sống tại xã Hương Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Ít ai biết, tuy không nổi tiếng bằng o Kim Lai, nhưng ở thành phố Huế cũng có một 'o du kích nhỏ' bắn rơi và bắt sống được một phi công Mỹ.

Bà Ngô Thị Thương, Ảnh Hoàng Hường

Trong ngôi nhà có vườn rộng cũng nhiều loại bonsai đẹp mắt, o du kích ngày xưa, bà Ngô Thị Thương bây giờ vui thú chăm chút vườn cây của mình ở xóm 4 xã Thụy Dương, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế ).

Trong phòng khách được treo trang trọng nhiều bức ảnh bà Thương chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả lúc bà còn trẻ và lúc đã lớn tuổi.

Trong những năm Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Hà Nội hứng chịu nhiều trận bom liên miên, nhưng hầu như chưa có cách bắn hạ máy bay địch.

Đúng lúc đó, tướng Giáp nghe nói có cô tự vệ Hà Tĩnh đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, Đại tướng đã đích thân vào Quân khu 4 chủ trì hội nghị để rút kinh nghiệm và bàn phương án bắn máy bay bay thấp.

Khi đọc bản báo cáo thành tích bắn rơi máy bay Mỹ của chiến sĩ tự vệ Ngô Thị Thương, Đại tướng đã yêu cầu cử người đi tìm cô gái về phổ biến kinh nghiệm bắn máy bay cho các lực lượng tự vệ Huế, Hà Nội.

Nhưng đang giữa thời chiến tranh, sau khi lập công xong, không ai biết cô Thương ở đâu.

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã đăng lời nhắn tìm cô gái Ngô Thị Thương trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn không thấy.

Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng một người đồng đội vô tình biết được Ngô Thị Thương đang công tác cùng đội trồng rừng cùng ông chính là người đang được Đại tướng Giáp tìm kiếm. Cô gái được đưa đến chỗ tướng Giáp để lại chiến công của mình:

Tháng 5-1968, Ngô Thị Thương được điều về Đội tu bổ rừng thuộc Lâm trường Cẩm Kỳ nằm giữa hai tuyến đường giao thông quan trọng. Nhóm tu bổ rừng có 3 người: Nguyễn Đình Bế (quê Cẩm Nhượng, Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Minh (quê Cẩm Phúc, Hà Tĩnh) và chị Thương.

Do yêu cầu nhiệm vụ, các chị được giao một khẩu súng trường để vừa bảo vệ rừng vừa bắn máy bay Mỹ. Hôm ấy đã gần trưa, cả tổ về lán ăn cơm thì bỗng nhiên có tiếng máy bay Mỹ gầm rú. Chị Thương nhanh chóng cầm súng chạy đến đón lõng ngay giữa eo hai ngọn núi mà nhiều lần chị phán đoán thế nào máy bay Mỹ cũng bay qua đây.

Cùng nhiếp ảnh gia Marissa Roth, Ảnh Hoàng Hường

Trong chiến tranh phá hoại, để tránh ra-đa phát hiện và các hỏa lực phòng không của ta đánh trả, máy bay Mỹ thường lợi dụng các eo núi bay thấp rồi bất ngờ oanh tạc các mục tiêu đã định.

Lợi dụng khi máy bay chưa tới, chị nhanh chóng gác nòng súng lên một thân cây cụt làm điểm tựa và khi máy bay Mỹ bay qua, chị bóp cò. Phát đầu tiên vì quá vội vàng cho nên viên đạn không trúng mục tiêu.

Một lúc sau, top máy bay quay trở lại và lần này chị bình tĩnh ngắm đón đầu bắn hai viên. Những tưởng lại trượt lần nữa thì chiếc máy bay chao đảo, phụt khói đen. Chưa kịp mừng vì máy bay Mỹ trúng đạn, vài giây sau đó chị nhìn thấy một vật hình tròn bung ra từ máy bay.

"Lúc đó tôi nghĩ chuyến này mình chết chắc rồi, vì nghĩ đó là bom, và sẽ rơi trúng chỗ mình, chẳng có chỗ nào để núp"

Nhưng vật hình tròn đó bay chậm, thấp dần rồi hiện ra một chiếc dù. Viên phi công đang cố lái chiếc dù vào khu vực rừng. Nhóm của chị lập tức lao đi bắt viên phi công, mặc trên trời những máy bay khác vẫn quần thảo ném bom.

Chẳng mấy chốc, chị tìm thấy viên phi công trong rừng, đang loay hoay tháo những sợi dây dù ra khỏi người. Bên cạnh anh ta chiếc máy định vị đang phát tín hiệu tạch tè. Chị Thương nhanh chóng báo cho các chị em khác vây bắt, đồng thời dùng đá đập vỡ máy định vị của anh ta.

Sau đó 2 ngày, chị được Huyện đội Cẩm Xuyên mời về báo cáo thành tích. Ở đây chị Thương gặp lại viên phi công. Đến giờ bà Thương vẫn không biết tên viên phi công đó là gì, chỉ biết anh ta cũng rất cao to, so với bà cũng không khác o Lai với William Andrew Robinson.

Viên phi công bắt tay cô gái bắt mình, cảm ơn vì đã không đánh đập hay bắn anh ta.

"Sau khi nghe tôi kể chuyện, tướng Giáp đã khen ngợi và đề nghị tôi phổ biến kinh nghiệm cho tự vệ cả nước. Sau đó tôi được ra thăm Đại tướng vài lần nữa tại Hà Nội. Những ngày này, tôi vẫn luôn lo lắng dõi theo sức khỏe của cụ, biết cụ nằm viện nhưng tôi vẫn chưa có điều kiện ra lại Hà Nội thăm cụ".

Chào từ biệt ra về, bà Thương cứ nhắc đi nhắc lại bà mong muốn được gặp lại Tướng Giáp một lần nữa, và mong muốn tìm gặp lại viên phi công bà đã bắt được 'để hỏi xem sau chiến tranh ông ấy sống thế nào"

Hoàng Hường