Ô tô sẽ bị tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Phế liệu, linh kiện điện tử cũ, ắc quy axit- chì… sẽ bị cấm hẳn hình thức kinh doanh này. Thời gian hàng tạm nhập được lưu ở Việt Nam bị rút ngắn chỉ còn 45 ngày thay vì 180 ngày hiện hành.


Bộ Công Thương vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan một số hàng hóa.

Hàng loạt điều kiện khắt khe để được kinh doanh tạm nhập tái xuất sẽ được ban hành. Ví dụ như doanh nghiệp ( DN) phải có thâm niên ít nhất 2 năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa nói chung, đồng thời, phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước.

Đối với hàng thực phẩm đông lạnh, các DN phải có kho bãi lớn, sức chứa lớn tối thiểu 100 container, diện tích tối thiểu 3.000m2. Kho bãi phải có hàng rào ngăn cách cao tối thiểu 2,5m, có lối đi riêng cho xe chở container và phải treo biển tên DN.

Theo dự thảo, các DN sẽ chỉ được phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế. Trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu tạm nhập đến địa điểm thông quan, DN không được chia nhỏ container.

Đặc biệt, thời hạn lưu tại Việt Nam đã bị rút ngắn lại. Từ 180 ngày hiện hành, hàng tạm nhập tái xuất chỉ được phép lưu tại Việt Nam 45 ngày kể từ ngày đăng ký tạm nhập. Cơ quan hải quan chỉ gia hạn 1 lần và không quá 15 ngày, trong khi theo quy định hiện nay, hàng tạm nhập tái xuất được gia hạn 2 lần, mỗi lần tối đa 30 ngày.

Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, quy định về thời hạn lưu cảng cho phép tới 180 ngày và 15 ngày gia hạn là quá dài, làm phát sinh các gian lận như tiêu thụ nội địa trái phép của DN.

Về xử lý vi phạm, Bộ Công Thương cũng dự kiến hình thức phạt nặng hơn.

Ví dụ, nếu quá hạn lưu ở Việt Nam, DN buộc phải tái xuất hàng tồn đọng trong vòng 15 ngày tại cửa khẩu tạm nhập, không được tái xuất ở cửa khẩu khác. Nếu không tái xuất được, hàng hóa sẽ bị tịch thu xử lý. Chi phí tiêu hủy hàng hóa sẽ được trích từ khoản tiền DN ký quỹ.

Ngoài ra, khi hàng hóa bị tồn đọng quá thời gian quy định, không tái xuất được, hải quan sẽ thông báo cho Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương không gia hạn, không cấp giấy phép mới và tạm ngừng quyền kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa của DN trong 6 tháng. Sau khi hết thời hạn này, trong 6 tháng tiếp theo, DN tái phạm thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Các trường hợp vi phạm nặng như gian lận trong kê khai hàng hóa, kinh doanh tạm nhập tái xuất loại hàng bị cấm, bị tạm ngừng, tái xuất không đúng cửa khẩu…cũng sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Bên cạnh đó, các loại hàng hóa thuộc hai danh mục là hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt và hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất có giấy phép không được phép chuyển tiêu thụ nội địa.

Ban hành kèm với Nghị định, Bộ Công Thương cũng đã hoàn tất hai danh mục hàng hóa cấm và tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Trong đó, những mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường sẽ bị cấm tạm nhập tái xuất gồm như một số loại hóa chất, phế liệu, phế thải và mẩu vụ của plastic, một số loại tủ lạnh, tủ trữ đông, quầy bảo quản lạnh sử dụng dung môi chất lạnh C.F.C, các loại bộ phận và phụ kiện đã qua sử dụng, ác quy axit chì đã qua sử dụng… Dự kiến danh mục cấm này sẽ áp dụng ngay từ 7/9/2012.

Hàng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất bao gồm hai nhóm là thực phẩm đông lạnh và hàng tiêu dùng đã qua sử dụng. Trong danh sách này, đáng chú ý là các mặt hàng như ô tô, máy tính cá nhân, máy hút bụt, điện thoại di động, thiết bị vệ sinh, đồ dùng gia đình, đồ nội thất, quần áo, vải, máy giặt…

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hiện tượng vi phạm trong kinh doanh tạm nhập tái xuất gia tăng. Hiện, hải quan đang truy tìm có tới 600 lô hàng đang đi sai tuyến đường. Nhiều loại hàng tiêu dùng có thuế cao đã không tái xuất mà tiêu thụ trái phép ở Việt Nam nhằm trốn thuế. Ví dụ như vụ 1.350 tấn xăng A92 bị thẩm lậu về Việt Nam hoặc vụ gần 2.000 ô tô nhập về theo hình thức tạm nhập nhưng lại không tái xuất.

Phạm Huyền