Trải nghiệm những xúc cảm yêu thời học trò đáng trân quý, thay vì cấm đoán hay chì chiết nặng nề, các“bậc tiền bối” đã kịp thời ra những “đòn tâm lý” thông minh và trúng đích, giúp con định hướng những rung động đầu đời.
Thầy cô “đọc vị” rung động đầu đời
Tình yêu tuổi học trò thường nảy sinh từ môi trường học đường. Vì vậy, các giáo viên thường là những người đầu tiên “đọc vị” ra những biểu hiện trong các mối quan hệ của các em.
Cô H.H, trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy, HN) đã có hơn 10 năm làm giáo viên chủ nhiệm kể về một tình yêu ngây ngô tuổi học trò cô đã “can thiệp” bằng biện pháp tâm lý.
H là một học sinh lớp 7 yêu một anh lớp 9, là gần như là một thành phần cá biệt ở trường. Khi yêu đã có những hành động bột phát, đứng thơm nhau ngay trước cửa Phòng Y tế, nhiều thầy cô và bạn bè nhìn thấy.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trường hợp ấy, cô cũng có trao đổi riêng. “Tầm tuổi đó, tính tự trọng của các bạn rất cao, không thể nhắc nhở trước lớp”.
“Con yêu anh ấy vì anh ấy rất tốt với con, bất kể anh ấy hay gây gổ đánh nhau với các bạn trong trường”, H thẳng thắn bày tỏ với cô giáo. Dưới góc độ là giáo viên chủ nhiệm, tôi nghĩ rằng ai cũng có bạn bè, tình cảm học trò rất trong sáng, nên cứ để nó phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, cũng phải tư vấn cho các bạn ấy bạn bè nên dừng lại ở mức độ nào. Phân tích những thứ sau này vì bạn ấy là con gái, cần phải có khoảng cách và tự trọng. Không nên dành quá nhiều thời gian cho những thứ biết chắc sẽ chẳng đi tới đâu”.
Cô cũng cho biết, H là một học sinh trung bình. Tuy nhiên, khi yêu vào, việc học tập đặc biệt trở nên sao lãng và sa sút hơn. Mới học lớp 7 nên tình cảm của các em vẫn còn rất cảm tính. Ba tháng sau, cô có hỏi em về mối quan hệ đó thì em trả lời rất trẻ con: “Con chán rồi nên con không gặp anh ấy nữa”.
Cô K.N, một giáo viên chủ nhiệm tại trường THCS Cầu Giấy, HN cho biết: “Các em học sinh cấp 2 đang ở tuổi dậy thì, đang học làm người lớn, muốn có cảm giác lạ đối với bạn bè, quý mến nhau trên mức bình thường. Là xúc cảm đầu đời, vì thế có đôi chút trẻ con nhưng khá đậm sâu”.
Theo cô K.N, giáo viên “rất tinh” khi đọc vị được tình cảm của các em. Trong giờ giảng, giáo viên chỉ cần nhìn qua ánh mắt, cử chỉ, hành động mà các em dành cho nhau hay một ánh nhìn hơi mơ mộng, lơ đãng khỏi bài giảng một chút là có thể đoán biết được một cặp đôi trong lớp. Để xác nhận, giáo viên mời hai bạn cùng tham gia một hoạt động phối hợp nhóm trong lớp học, thấy cả lớp quay sang cười với nhau hay xì xào bàn tán thì đó chắc chắn hai bạn đó có mối quan hệ tình cảm”.
“Mình sẽ quan sát nhận biết các em vẫn chỉ dừng lại ở mối quan hệ quý mến nha trên mức bình thường một chút hay đã đi quá giới hạn để có thể phân tích những mặt đúng sai để các con hiểu, từ đó có những can thiệp, định hướng cho các em” - cô N chia sẻ
Giáo dục giới tính là một cuộc chiến
Tuy nhiên, nhiều giáo viên tỏ ra vô cùng e ngai và lo lắng khi mà cơn lốc giá trị sống đang có nhiều thay đổi khiến các em tiếp thu nhanh và áp dụng một cách thụ động những luồng văn hoá từ bên ngoài du nhập vào khiến cho môi trường học đường biến thành nơi lý tưởng để nhiều học sinh có cơ hội quen biết, hẹn hò và yêu đương.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ thì nguyên nhân ở đây được mổ xẻ là do sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý học sinh hiện vẫn còn thiếu chặt chẽ.
Theo ông Thống thì, hai môi trường tác động nhiều đến các em là gia đình và nhà trường lại đang bỏ ngỏ việc trang bị các kiến thức, kỹ năng cho các em. Bố mẹ né tránh hoặc bỏ quên việc giáo dục, chỉ dẫn về kiến thức giới tính cho con hay khoán trắng cho nhà trường. Việc giáo dục sức khỏe giới tính, sinh sản nói riêng và kỹ năng sống nói chung cho học sinh ở trường học lại đang còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết
Ở nhà trường vẫn còn một số nhỏ giáo viên chưa thực sự gương mẫu trong cách sống, trong giảng dạy, lời nói và hành động chưa thống nhất làm mất niềm tin đối với học sinh và tổn thương tâm lý các em. Kèm theo đó là lối sống ích kỷ, vô cảm của người lớn, sự mâu thuẫn, ly tán trong gia đình đã tác động tiêu cực tới học sinh.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên có thể do các sản phẩm văn hoá độc hại lưu truyền công khai ngoài xã hội, qua mạng internet không lành mạnh đã tác động vào lối sống của học sinh.
Chính vì vậy để hạn chế và phần nào ngăn chặn được những tồn tại trên thì phải luôn coi việc giáo dục giới tính cho các em là một cuộc chiến cần sự quyết liệt.
Tuy nhiên theo một chuyên gia tâm lý thì việc giảng dạy môn giáo dục giới tính của các trường THCS và PTTH đang có rất nhiều vấn đề khiến cho nhiều học sinh có tâm lý hoang mang. Anh kể, anh đã gặp một trường hợp hai em học sinh lớp 9 (Hải Dương) đang yêu nhau thì cô gái đòi cưới, vì hay tin em “có bầu”. Gia đình và nhà trường tá hỏa, bạn bè trong trường đi đến đâu cũng dè bỉu cô gái dại dột, vì yêu nên có “quan hệ” sớm với bạn trai. Nhưng đến khi tìm hiểu nguyên nhân đi đến kết luận “có bầu”, em giải thích, vì em và bạn trai lỡ cầm tay nhau. Từ câu chuyện hài hước này, “tôi nghĩ các em cần được trang bị một phông kiến thức về sức khỏe sinh sản vững chắc”.
Đỗ Dung - Hạnh Thúy
(còn tiếp)