Một chiếc xe máy không thể chiếm nhiều không gian di chuyển hơn một chiếc xe ô tô, tiêu thụ lượng nhiên liệu thấp hơn ô tô, lượng khí phát thải thấp hơn ô tô… vậy tại sao lại cấm xe máy chứ không phải là ô tô?
Tuần trước, tại cuộc Hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TPHCM - thực trạng và giải pháp”, một lần nữa, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng xe máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, và lớn tiếng tuyên bố “Cấm ngay xe máy, đừng lấy cái nghèo dọa nhau!”. Đó là một cách tiếp cận thiếu tính xây dựng, thậm chí là phá đám, đối với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông.
Hạn chế phương tiện cá nhân là một mục tiêu quan trọng đối với các đô thị khi đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông. Đó là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhận thức mà không cần phải là một “chuyên gia”. Song, khi mà các giải pháp tổng thể để thay đổi thói quen lựa chọn của người dân đối với phương tiện giao thông đang được triển khai, đặt vấn đề cấm một trong số các loại phương tiện cá nhân, chỉ vì nó quá nhiều, là một cách không thể hiệu quả hơn để tạo ra những bất đồng trong xã hội.
Phương tiện giao thông đường bộ cá nhân thông thường, hiện đang được phép lưu hành bao gồm ô tô, xe máy, xe đạp. Việc lựa chọn sử dụng phương tiện nào là quyền, và lợi ích của tất cả mọi người, trên cơ sở bình đẳng. Không thể vì ác cảm với xe máy mà lấy tư cách chuyên gia để kêu gọi cấm xe máy, chứ không phải là ô tô, hay xe đạp.
Vì sao đa số người dân lựa chọn xe máy làm phương tiện giao thông chính? Đơn giản, bởi đó là lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với khả năng tài chính, hạ tầng giao thông nơi người ta sinh sống.
Một chiếc xe máy không thể chiếm nhiều không gian di chuyển hơn một chiếc xe ô tô, tiêu thụ lượng nhiên liệu thấp hơn ô tô, lượng khí phát thải thấp hơn ô tô… vậy tại sao lại cấm xe máy chứ không phải là ô tô?
Tại sao lại cấm xe máy chứ không phải là ô tô? Ảnh: VNN |
Không có bất cứ loại phương tiện nào đáng bị cấm hơn phương tiện nào! Tiếp cận vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân không thể bằng góc nhìn cấm đoán. Cách tiếp cận văn minh chỉ có thể là cung cấp những lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng phương tiện cá nhân.
Khi nào thì người ta có thể từ bỏ dần phương tiện cá nhân? Đó là khi người ta có thể di chuyển bằng phương tiện thay thế. Do đó, không thể đặt vấn đề buọc người dân từ bỏ phương tiện cá nhân như một động lực để phát triển phương tiện công cộng. 90% dân cư đô thị đang di chuyển bằng phương tiện cá nhân mỗi ngày, họ không thể dừng lại để chờ đến lúc có đủ phương tiện công cộng để thay thế.
Xe máy, hay ô tô cá nhân đều không đáng bị cấm! Điều đó không có nghĩa là một sự cản trở đối với việc phát triển phương tiện công cộng. Bởi để phát triển phương tiện công cộng không chỉ có con đường duy nhất là cấm phương tiện cá nhân.
Để phát triển phương tiện công cộng, hãy ưu tiên hạ tầng giao thông cho phương tiện công cộng. Làn đường riêng cho mọi loại phương tiện công cộng chứ không chỉ đối với BRT. Và phương tiện công cộng cần được định nghĩa đúng đắn, không chỉ là xe bus, hay tầu điện, đó còn là taxi, xe ôm, xe đạp… mọi thứ có thể được sử dụng làm phương tiện vận chuyển công cộng.
Đô thị Việt Nam với đặc thù rất nhiều làng trong phố, với rất nhiều khu vực dân cư không có khả năng tiếp cận với hạ tầng giao thông cỡ lớn. Các phương tiện giao thông cỡ nhỏ, có khả năng cơ động linh hoạt như xe máy, xe đạp sẽ luôn có lý do để tồn tại trong không gian đó.
Để hạn chế phương tiện cá nhân, điều cần làm là không phải là cấm cái ô tô, hay cái xe máy. Hạn chế phương tiện cá nhân là hạn chế nhu cầu phải sở hữu một phương tiện cá nhân, tức là họ có thể sử dụng một phương tiện phù hợp mà không cần sở hữu.
Để người dân có thể từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, bên cạnh việc phát triển các loại phương tiện cỡ lớn như tàu điện hoặc xe bus, việc tạo điều kiện phát triển cho các phương tiện công cộng cỡ nhỏ làm vai trò trung chuyển, kết nối cũng là điều cần thiết. Taxi, hay xe ôm cần được công nhận và đối xử như phương tiện công cộng, đầu tư các điểm cho thuê xe đạp công cộng… là những việc có thể làm ngay khi mà xe bus và tàu điện chưa kịp phổ cập.
Hạn chế phương tiện cá nhân là thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân chứ không phải là cấm cản việc sử dụng phương tiện mà nhiều người có thể sở hữu. Giải tỏa vỉa hè, từ chối việc cấp phép trông giữ phương tiện cá nhân trên lòng đường, dành đường riêng cho phương tiện công cộng, đồng thời cung cấp các phương tiện công cộng tiện lợi và phù hợp với hạ tầng giao thông… Thực hiện đồng thời các giải pháp này, không cần cấm thì phương tiện giao thông cá nhân cũng sẽ tự hạn chế.
Những giải pháp này không quá khó triển khai. Chỉ cần các chuyên gia đừng phá đám bằng những thông điệp cấm cản, thúc đẩy mong muốn bảo vệ quyền được đi lại của người dân, và tăng thêm cảm xúc thù ghét với phương tiện công cộng.
Phạm Trung Tuyến