Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, sinh con 3 lần. Gần đây, bà rất tự ti, không muốn đi du lịch, đi chơi cùng gia đình vì bị chứng tiểu không kiểm soát. Thưa bác sĩ, bệnh này có thể điều trị dứt điểm được hay không? (Thái Thanh Lan, Tây Ninh).
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Mỹ Hạnh, khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), tư vấn:
Tiểu không kiểm soát (són tiểu) là tình trạng nước tiểu rỉ ra ngoài không kiểm soát, gặp ở cả phụ nữ, nam giới và trẻ em. Phụ nữ lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao hơn.
Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị tiểu không kiểm soát là 30% và tăng dần theo độ tuổi, ở phụ nữ trung niên là 30-40%, ở độ tuổi lớn hơn khoảng 50%. Ở nam giới, tỷ lệ này là 10%.
Nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến són tiểu như phụ nữ mang thai, béo phì, mãn kinh, người trải qua phẫu thuật vùng chậu (tuyến tiền liệt, cắt tử cung), người có bệnh cơ xương khớp…
Chứng tiểu không kiểm soát ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh vì luôn cảm thấy ẩm ướt do nước tiểu rỉ ra ngoài, gây ra các bệnh về da (nhiễm trùng da, lở loét...) kèm theo mùi hôi khó chịu. Từ đó, người bệnh không chỉ mất tự tin, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc mà còn cả cuộc sống vợ chồng.
Một số trường hợp nặng phải gánh thương tật suốt đời vì ảnh hưởng đến chức năng thận, nhiễm trùng không hồi phục.
Bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi như: Có bao giờ bạn cảm giác đi tiểu nhưng không hết? Bạn cần phải đi gấp vào nhà vệ sinh để kịp tiểu? Bạn lo lắng về việc không kiểm soát nước tiểu? Bạn bị rỉ nước tiểu trước khi vào nhà vệ sinh, khi đang vận động gắng sức, hay thay đổi tư thế từ nằm ngồi sang đứng?
Nếu câu trả lời là "có", người bệnh có thể đã mắc chứng són tiểu, cần đến bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để thăm khám và điều trị.
Khi bệnh nhẹ, can thiệp sớm, người bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu có biến chứng hoặc tình trạng phức tạp, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật.
Tại nhà, người bệnh có thể tập luyện bài đơn giản để kiểm soát chứng bệnh khó nói này. Trước tiên, khi đi tiểu, người bệnh siết cơ sàn chậu lại để ngăn nước tiểu nhằm xác định nhóm cơ nào cần tập luyện. Sau đó, thực hiện siết cơ sàn chậu bất cứ khi nào có thể trong vòng 10 giây và thả ra từ từ, lặp lại khoảng 10 lần. Duy trì tập mỗi ngày và thường xuyên để phát huy tác dụng.
Bác sĩ Hạnh cho hay bài tập đơn giản này giúp cơ sàn chậu săn chắc hơn nên hiệu quả với cả người có tình trạng “cô bé” bị giãn rộng, sa bàng quang, sa tử cung hay nam giới có tình trạng xuất tinh sớm.
Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý; lượng nước uống vào cơ thể vừa đủ theo nhu cầu; tránh nước uống có cồn, cà phê, nước ngọt, nước có gas; tránh ăn thức ăn nóng, chua, cay, tăng cường rau xanh, trái cây; tránh táo bón; tránh uống các loại nước có tính mát vì tăng tính lợi tiểu.