“Được UNESCO công nhận di sản, nhiều địa phương lại không lấy mục tiêu bảo vệ di sản làm cốt yếu mà chỉ quan tâm tới chuyện tôn vinh và tự hào với danh hiệu”. – GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam.

BÀI LIÊN QUAN

Liên quan đến câu chuyện “hội chứng” di sản và cuộc đua UNESCO đang diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh.

Có được danh hiệu bằng mọi giá

- Xin GS cho biết ý kiến khi liên tiếp trong thời gian gần đây các địa phương có di sản được UNESCO công nhận như Quan họ của Bắc Ninh tổ chức hát quan họ tập thể hay Thành nhà Hồ của Thanh Hóa “xây mới” Đàn Nam Giao gây không ít những ý kiến không đồng tình từ những nhà nghiên cứu văn hóa?

Có thể thấy ở ta có nhiều địa phương rất yêu di sản của mình và muốn được tôn vinh những di sản đó. Tuy nhiên chúng ta đang rất yếu và thiếu kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa cũng như thiên nhiên.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Được UNESCO công nhận các di sản, nhiều địa phương vẫn chưa biết tận dụng những công ước đã kí kết với UNESCO để bảo tồn và gìn giữ di sản. Mà nhiều nơi danh hiệu UNESCO trao cho những di sản của địa phương đó đã bị coi như một danh hiệu để thi đua, thậm chí các cuộc chạy đua làm hồ sơ vận động công nhận di sản thế giới giữa các địa phương còn mang tính ăn thua. Và vì vậy đã không có ít nơi đã tìm mọi cách để có được danh hiệu di sản thế giới, bằng mọi giá.

- Vậy GS lo ngại nhất điều gì ở cuộc đua di sản thế giới UNESCO này?

Vấn đề đáng lo ngại có thể thấy rõ nếu công tác bảo tồn không được chú trọng thì rất nhiều địa phương đang có chiều hướng chạy theo căn bệnh trầm kha mà bấy lâu nay chúng ta đã lên án đó là căn bệnh thành tích, thích tôn vinh bằng danh hiệu mà tiêu tốn nhiều tiền của.

Có thể thấy liên tục trong thời gian gần đây các địa phương đua nhau lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận. Khi nhìn lại các di sản của ta đã được công nhận thì nhận thấy công tác bảo tồn và nhận thức về di sản vẫn chưa thực tốt nếu không muốn nói có nhiều nơi còn có những việc làm vô tình gây tổn hại tới di sản.

Hội thảo xong thì đâu lại vào đó

- Trước những việc làm như vậy vì sao những nhà nghiên cứu văn hóa hay những người làm trong công tác bảo tồn lại không lên tiếng để những người làm văn hóa tại địa phương có thể hiểu rõ về di sản cũng như công tác bảo tồn di sản?

Đã có rất nhiều các cuộc hội thảo về vấn đề nhận thức và đối xử với các di sản quy tụ được rất nhiều các nhà khoa học và đại diện các địa phương nơi có di sản. Nhưng không hiểu vì sao hội thảo xong thì sự việc đâu vẫn vào đó và dường như những lời góp ý của các nhà khoa học không hề có tác dụng gì với các địa phương cả.

Điều đáng buồn nữa là khi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khi lên tiếng và góp ý thì họ lại bất bình và thậm chí còn đòi kiện ngược những ý kiến được cho là góp ý thẳng thắn của những người có tâm huyết với di sản.

Họ không biết, không chịu học và không chịu nghe góp ý, chỉ thích người ta công nhận mình thì tất yếu sẽ hiểu sai về di sản và dẫn đến những việc làm tưởng là bảo tồn nhưng thực ra là tàn phá di sản.

Có thể thấy rất nhiều ví dụ như Bắc Ninh với với di sản quan họ. Người dân rất yêu quan họ, lãnh đạo cũng tha thiết muốn được tôn vinh quan họ. Nhưng cách làm và cách hiểu của họ khi tổ chức một lễ hội với 3700 người hát quan họ tập thể lại thực là một cách làm rất phi quan họ. Và khi một nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng góp ý họ lại còn đòi kiện ngược cả người đó.

Khuyết điểm lớn nhất thuộc về cả hệ thống

- Có nhiều nơi cho rằng danh hiệu UNESCO là cú huých để địa phương đầu tư và thúc đẩy du lịch đem lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người thì du lịch cũng là con dao hai lưỡi với di sản nếu như việc phục dựng trùng tu còn chưa đúng cách và đặc biệt việc khai thác du lịch nếu không thận trọng sẽ gây tổn hại đến di sản?

Du lịch và di sản về cơ bản đó không phải là thứ triệt tiêu nhau. Không phải là cứ du lịch sẽ triệt tiêu di sản. Du lịch vào mà di sản hỏng là vì nhận thức và hành động của chúng ta đã làm cho chúng triệt tiêu nhau. Quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, vì vậy hơn hết những chủ thể văn hóa cần phải cung cấp những kiến thức bảo vệ di sản để đừng như gần đây tình trạng phục dựng hay khai thác du lịch ở một vài nơi là rất thiếu trách nhiệm với di sản của ông cha để lại.

- Theo ông, vấn đề cốt lõi trong công tác bảo tồn di sản vẫn là con người?

Không thể trách những địa phương nơi có di sản vì họ thực chất đều có cái tâm tốt là muốn bảo vệ và tôn vinh di sản của mình. Nhận thức đúng đắn trong công tác bảo tồn và đặc biệt là những công ước hậu UNESCO sau khi nhận bằng di sản là trách nhiệm nặng nề thay mặt cả quốc gia để bảo vệ di sản đó cho nhân loại.

Khuyết điểm lớn nhất thuộc về cả hệ thống khi chưa cung cấp thông tin để người dân và những người lãnh đạo ở địa phương thực hiểu về danh hiệu UNESCO không phải là một bằng khen mang tính thành tích và thể hiện tính ganh đua cao thấp mà đó là một trách nhiệm lớn lao về bảo tồn di sản một cách đúng đắn.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nguyễn (thực hiện)