Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa tổ chức Lễ khai mạc trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” nhằm giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, thưởng lãm một cách đầy đủ về sưu tập hiện vật đặc biệt được khai quật từ những con tàu đắm. |
Trưng bày này đã giới thiệu tại Mokpo và Busan (Hàn Quốc) từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018, mang tên: “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam”, được các nhà nghiên cứu, công chúng Hàn Quốc đón nhận và quan tâm sâu sắc. (Ảnh: Tổ hợp 9 đĩa trang trí hoa lá. Gốm men trắng vẽ lam. Thế kỷ 16-17. Tàu cổ Bình Thuận) |
Trưng bày "Bí mật đại dương từ những con tàu cổ" giới thiệu tới công chúng hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15-18 được tuyển chọn trong bộ sưu tập di sản gốm sứ từ các con tàu đắm mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và bảo quản. (Ảnh: Bình tỳ bà. Gốm men trắng vẽ lam. Thế kỷ 15. Tàu cổ Cù Lao Chàm) |
Trưng bày gồm 4 nội dung chính: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển; Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam. (Ảnh: Ang. Gốm men trắng vẽ lam. Thế kỷ 15. Tàu cổ Cù Lao Chàm) |
Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 18/1/2019 đến 18/5/2019. (Ảnh: Ấm trang trí tích “Trực thượng thanh vân”. Gốm men trắng vẽ lam. Thế kỷ 18. Trung Quốc. Ấm vẽ mục đồng cưỡi trâu, tung mũ cỏ lên trời xanh, ngụ ý “sỹ đồ bình bộ thanh vân” (con đường làm quan một bước lên mây). Tàu cổ Cà Mau) |
Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế trên biển, với đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam. (Ảnh: Chày cối. Gốm men nâu. Thế kỷ 15. Đồ dùng của thủy thủ tàu cổ Cù Lao Chàm) |
Đây là vùng biển rộng lớn nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. (Ảnh: Chậu trang trí hoa sen dây Gốm men trắng vẽ lam. Thế kỷ 15 Tàu cổ Cù Lao Chàm) |
Bằng chứng là gần 30 năm qua, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam, trong đó có 6 con tàu Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trực tiếp tham gia và chủ trì nghiên cứu, khai quật, bổ sung nguồn tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá.(Ảnh: Chân đèn. Gốm men trắng vẽ lam. Thế kỷ 15. Tàu cổ Cù Lao Chàm) |
Tình Lê
Triển lãm 'báu vật đại ngàn' kéo dài cả năm tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia
Lần đầu tiên cây sâm Ngọc Linh được ra mắt người dân thủ đô Hà Nội trong triển lãm chuyên đề mang tên "Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum- Báu vật đại ngàn".