Cả nước đã có 4,554 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Tại hội thảo Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 5/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường các thách thức mà, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang phải đối mặt. Đó là, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thời kỳ gần hết dân số vàng, biến đổi khí hậu khốc liệt và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nông nghiệp, nông thôn đang đối diện nhiều thách thức |
Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4,554 xã (chiếm 51,16%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã cả nước đạt 15,32 tiêu chí nông thôn mới/xã.
Đánh giá sự phát triển nông thôn thời gian qua, ông Đặng Kim Sơn, Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, nông thôn phát triển nhanh nhưng về đa chiều thì ngày càng có khoảng cách với đô thị. 30% thu nhập nông thôn vẫn phụ thuộc vào đô thị nên vẫn còn tình trạng di cư ra đô thị. Điều này tạo sức ép cho cả hai phía.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối nông thôn – đô thị để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Chiến lược phát triển bao trùm; trong đó có chiến lược đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới chưa được thể chế hóa.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, liên kết vùng, khu kinh tế động lực, với đô thị hóa và toàn cầu hóa.
Vì thế chưa thể khắc phục tình trạng gia tăng ngăn cách, chênh lệch giữa nông thôn – đô thị.
Về chuyển đổi nông thôn – đô thị, theo ông Đặng Kim Sơn, thời gian tới cần xây dựng mô hình phát triển bao trùm. Khi đó, lao động cho sản xuất nông nghiệp và lao động cho công nghiệp, dịch vụ đều nằm trên địa bàn nông thôn.
Cụ thể, lao động nông thôn sẽ là nguồn lao động chính thức có năng suất, chất lượng cao; Đô thị cần phát triển ngay từ nông thôn; Quá trình phát triển đô thị sẽ gắn liền với phát triển nông thôn; Những vùng phát triển nông nghiệp có thể phát triển thành đô thị; Đô thị sẽ được phân cấp và phát triển đô thị vệ tinh.
Phải tận dụng tốt thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Nhận định, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, đó là khoảng cách vùng miền còn lớn; thu nhập người dân nông thôn đã tăng từ 3,4 – 3,5 lần so với xuất phát điểm nhưng so với mong muốn và thực tiễn chưa đáp ứng được yêu cầu; vấn đề môi trường trong cuộc sống và sản xuất.
Do đó, thời gian tới sẽ có một nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên cần phải nhận dạng những thách thức, hạn chế của xây dựng nông thôn mới 10 năm qua để định hướng xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Và cần phát huy cao nhất những thành quả trong xây dựng, thiết chế hạ tầng, văn hóa… và tập trung các nhóm giải pháp tổng hợp để giải quyết các nút thắt lớn nhất. Đó tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy sản xuất, đây là nền tảng, bản chất của xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tập trung các nhóm giải pháp để xử lý vấn đề môi trường; nâng cao vị thế nông dân, khai thác tiềm năng, lợi thế, nội lực để cả xã hội cùng đồng hành. Và phải tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại, đó là khoa học, công nghệ; tận dụng tốt thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy tốt nhất các nguồn lực từ các thành phần kinh tế - xã hội, sức mạnh của chính người dân.
Bên cạnh đó, trong bộ tiêu chí cũng có nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp, đa dạng và thiết thực hơn với từng vùng miền. Đặc biệt là vấn đề văn hóa của 54 dân tộc phải được phát huy cao nhất.
“Làm sao tạo động lực đầy đủ từ thể chế, nguồn lực, chỉ đạo… để cả 3 khu vực: nhà nước, các thành phần kinh tế và người dân cùng đồng hành thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bài: Nguyễn Kiên Trung - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV