- Đến thăm DN thu mua cá ở Quảng Bình sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh việc khẳng định số cá còn lại là an toàn để người dân yên tâm sử dụng.

Hơn 600 tấn cá nhiễm độc

Sau sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Bình tồn đọng hơn 2.000 tấn hải sản, trong đó có 606,4 tấn có hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng cho phép. Số hải sản này ngay sau đó đã được tiêu hủy theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

{keywords}

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiểm tra cá trong kho đông lạnh của doanh nghiệp Phước Sang

Tại kho đông lạnh Phước Sang (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Y tế, Công thương đã trực tiếp kiểm tra kho và nghe chủ DN trình bày khó khăn trong thời gian qua.

Bà Hoàng Thị Hương, chủ DN cho biết: “Chúng tôi có 90 tấn cá bị nhiễm độc và đã được tiêu hủy hoàn toàn, giờ trong kho còn khoảng 370 tấn cá an toàn nhưng rất khó tiêu thụ. Hiện nay mỗi ngày chúng tôi phải trả 7 trệu tiền điện để duy trì kho đông lạnh. Nếu nhận hỗ trợ tiêu hủy thì được khoảng gần 3 tỷ đồng, trong khi chúng tôi còn nợ ngân hàng 13 tỷ”.

{keywords}

Cá tồn kho của công ty TNHH XNK thủy sản An Bình

Còn bà Nguyễn Thị Lê, công ty TNHH XNK thủy sản An Bình (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) thì nói, DN của bà có 60 tấn cá bị nhiễm độc, đã được tiêu hủy hoàn toàn. 

Giờ trong kho còn 395 tấn cá sạch, an toàn. Trong đó có 350 tấn cá nục hiện khó tiêu thụ, DN phải bán lỗ nhưng vẫn không ai mua.

Ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: “Sau khi Bộ NN&PTNT phân lô, Bộ Y tế đã đến lấy mẫu của tất cả các lô về kiểm nghiệm, lô nào không đảm bảo an toàn Bộ Y tế đã thông báo về tỉnh để tiêu hủy, những lô còn lại hoàn toàn tiêu thụ được”.

Cần minh bạch thông tin

Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tiêu thụ số cá sạch còn lại trong kho cho các DN và cần thông tin cho người dân biết rằng, cá nhiễm độc đã được chính quyền địa phương tiêu hủy hết.

{keywords}

Cá tươi mới nhập về

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, điều trước tiên là chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông phải tăng cường công tác tuyên truyền, đưa thông tin đến mọi người dân.

“Việc tiêu hủy cá nhiễm độc phải được công khai, minh bạch thông tin để người dân biết”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ ngành để đưa ra cơ chế hỗ trợ giá cho các loại thủy sản, công bố rộng rãi về số hải sản bị nhiễm độc.

“Còn các sản phẩm có chứng nhận an toàn của Bộ Y tế, chúng tôi cũng đã phối hợp với các DN lớn về phân phối như BigC, Sài Gòn Coorp, Metro…để giúp người dân tiêu thụ hải sản”.

Mặc dù đã được chứng minh số hải sản còn lại là an toàn nhưng tâm lí của người dân vẫn hết sức e ngại khi sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, bản thân các DN cũng phải có giải pháp, tự mình tìm thị trường chứ không thể bị động.

“Hiện nay, hơn 600 tấn cá nhiễm độc đã được tiêu hủy hoàn toàn với tinh thần minh bạch và công khai. 2.600 tấn cá còn lại đã được Bộ Y tế xác nhận an toàn, dùng sinh hoạt bình thường”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Hải Sâm - Quang Thành