Phim Việt tràn ngập cảnh nóng - trách nhiệm thuộc về ai?

Sức lan tỏa của phim truyền hình ngày càng mạnh mẽ trong vòng vài năm qua. Với hàng trăm đầu phim lớn nhỏ từ đài trung ương đến địa phương mỗi năm, các tác phẩm được phát sóng liên tục, kéo dài và phủ sóng rộng khắp cả nước. 

Việc phim truyền hình Việt gần đây không bị kiểm duyệt cắt cảnh nóng đã giúp các nhà sản xuất thoải mái sáng tạo. Mặt khác, điều này cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình quản lý khi tác phẩm được cấp phép lên sóng.

Các phim truyền hình hiện nay đều do lãnh đạo nhà đài trực tiếp kiểm duyệt. 

Theo luật Điện ảnh, việc kiểm duyệt phim truyền hình chủ yếu do Tổng giám đốc, Giám đốc các đài chịu trách nhiệm. Việc tự chủ này giúp các tác phẩm được kiểm duyệt nhanh chóng, đảm bảo lịch chiếu phim đúng tiến độ. Song điều này rất dễ dẫn đến trường hợp “lọt lưới” những cảnh nhạy cảm, không phù hợp với khán giả đại chúng. 

Một chuyên gia phê bình phim nói với VietNamNet, 90% các phim truyền hình hiện nay đều có ít nhất từ 1 đến vài cảnh nóng. Tùy theo mức độ, thời lượng và mục đích khác nhau mà đạo diễn cài cắm các tình huống này nhiều hay ít. 

Điều này cũng khiến anh và nhiều người đặt câu hỏi: Các cảnh “mát mẻ” là thực sự cần thiết, hay đơn thuần chỉ là một chiêu trò thu hút rating (chỉ số người xem), câu kéo dư luận từ phía đơn vị sản xuất?

“Ranh giới giữa cảnh nóng nghệ thuật và cảnh nóng dung tục rất mong manh. Với một tác phẩm chiếu truyền hình ở khung giờ vàng, cảnh nhạy cảm nên được hạn chế tối đa để tránh những chuyện tiêu cực”, chuyên gia này nói. 

Cảnh nóng thường được cắt và đăng tải trên các mạng xã hội để hút khán giả. 

Một số nhà đài, đơn vị phát hành cũng xem mạng xã hội là công cụ quảng bá phim truyền hình hữu hiệu. Những phân cảnh hot, preview dễ dàng đạt hàng triệu lượt xem trên nền tảng Facebook, YouTube hay TikTok khi được đăng tải. Điều này tạo sự tương tác rất tốt với khán giả nhưng cũng gây hoài nghi về việc quản lý nội dung phim bị “thả trôi”. 

Trong khi đó, xu thế các nền tảng phim chiếu mạng nở rộ cũng kéo theo nhiều mối nguy. Các nội dung được phát theo dạng miễn phí hoặc thu phí giá rẻ để tiếp cận nhiều đối tượng người xem phim. Đó là chưa kể những trang web phim lậu chuyên đăng tải với số lượng hàng trăm đến hàng nghìn đầu phim. Điều này dẫn đến sự khó kiểm soát về khâu nội dung phim vi phạm. 

Trong bối cảnh việc phân loại hay phát cảnh báo khán giả còn bỏ ngỏ, nhiều ý kiến cho rằng nhà đài lẫn các đơn vị phát hành online nên dán nhãn cảnh báo rõ ràng và văn minh.  

Cần thiết dán nhãn phim

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long (THVL) cho biết các phim trước nay đều được kiểm duyệt gắt gao từ Hội đồng thẩm định. Với mỗi tác phẩm duyệt lên sóng, họ đã kiểm soát và tiết chế đi nhiều, để phù hợp với tất cả khán giả. 

'Sống chung với mẹ chồng' là phim Việt hóa thành công nhưng cũng gây tranh cãi vì cảnh nóng. 

“Chúng tôi kiểm duyệt chặt chẽ từ khâu duyệt kịch bản, sản xuất đến hậu kỳ. Tôi cũng quán triệt với đối tác nếu cố tình đưa những tình tiết nhạy cảm, gây sốc để câu view, nhà đài sẽ không nghiệm thu. Trường hợp nếu đã phát sóng, chúng tôi sẽ cho gỡ và họ phải chịu hoàn toàn tổn thất, trách nhiệm”, ông nói. 

Ông Tuấn nhấn mạnh do đối tượng khán giả chủ yếu là gia đình nên ông và ban kiểm duyệt luôn chọn lọc kỹ các đầu phim để phát sóng. Lãnh đạo Đài THVL cũng khẳng định luôn lắng nghe ý kiến từ khán giả. Sắp tới, Đài sẽ tăng cường, siết chặt về mặt nội dung với tiêu chí đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ ở từng chương trình, phim ảnh lên sóng. 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng việc dán nhãn cần được xác định rõ mục đích. Ở nước ngoài, đây là cách để bảo vệ trẻ em khỏi những hình ảnh không phù hợp độ tuổi. Đạo diễn Em và Trịnh nhận định điều này góp phần tăng tính trách nhiệm của phụ huynh trong việc trông coi con em khi thưởng thức phim ảnh. 

“Phim truyền hình cần dán nhãn ở một góc màn hình - như HBO, Netflix... đang làm, để phụ huynh dễ giám sát nội dung khi trẻ thưởng thức. Ngoài ra, cần nêu rõ lý do cụ thể dán nhãn trên phim như: chứa yếu tố sex, bạo lực…”, anh nói. 

Cảnh nóng trong phim 'Hành trình công lý' 

Đạo diễn Charlie Nguyễn lại nhìn nhận việc dán nhãn phim truyền hình sẽ khó khả thi, trong bối cảnh nhà nhà đều có ti vi. Kiểm duyệt tốt nhất là từ khâu kịch bản. Khi không dán nhãn cụ thể, nhà đài có thể phát dòng chữ cảnh báo, qua đó người lớn cân nhắc có cho con em ngồi xem hay không. 

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết cơ quan quản lý luôn đốc thúc, nhắc nhở các đơn vị truyền hình thực hiện nghiêm chỉnh khâu kiểm duyệt và phát sóng phim. Trong đó, họ cần cân nhắc đến những yếu tố như lứa tuổi, nhu cầu người xem để loại bỏ những phân đoạn nhạy cảm, gây tranh cãi.

“Luật Điện ảnh đã được ban hành và áp dụng nhưng ở vị trí quản lý, chúng tôi vẫn liên tục lấy ý kiến từ đại biểu qua các hội thảo. Mục tiêu chung vẫn là đảm bảo thị trường phim ảnh đi đúng hướng, phát triển, vừa tạo không khí thoải mái để các nhà sản xuất, phát hành làm phim thuận lợi”, ông nói.

Các phim chiếu mạng sẽ được cơ quan quản lý kiểm duyệt gắt gao trong thời gian tới. 

Ở nền tảng OTT (trên Internet), ông Tân cho rằng việc kiểm soát phim vẫn là điều bất cập, gây trở ngại lớn cho các đơn vị quản lý. Giữa những tranh cãi về phương án kiểm duyệt, đại diện cơ quan quản lý ủng hộ việc giao trực tiếp đơn vị phổ biến phim trên không gian mạng tự phân loại, chịu trách nhiệm. Ông Tân khẳng định dù luật còn trống đối với phim phát hành trực tuyến nhưng nếu có sai phạm, việc xử lý vẫn sẽ diễn ra.

Nghị định 128/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ 15/2/2023 quy định rõ ở mục 1 "Hành vi vi phạm về điện ảnh", điều 7 "Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh". Cụ thể:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng;

b) Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định;

c) Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng;

d) Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.