Dự kiến, ngày 30/6, tại phiên họp đặc biệt của UB liên hợp, Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, ý kiến tham vấn của Việt Nam sẽ được công bố cùng ý kiến của các quốc gia thành viên khác.

Ngày 31/7/2019, UB sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai dự án Thủy điện Luông Phra-bang của Lào trên dòng chính sông Mê Công.

Trên cơ sở các kiến nghị của báo cáo đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội, kết quả tham vấn vùng và quốc gia, các bài học kinh nghiệm từ các nghiên cứu của Việt Nam và Ủy hội cũng như chuyên gia quốc tế, chủ đầu tư chưa có đủ số liệu quan trắc, số liệu chưa được kiểm chứng về độ chính xác, và vẫn chưa tận dụng hết số liệu có sẵn và đáng tin cậy của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Việc áp dụng các phương pháp đánh giá phân tích còn đơn giản, chưa xem xét hết các yếu tố ảnh hưởng, một số đề xuất giảm thiểu tác động chưa chứng minh được hiệu quả, và đáp ứng hết các yêu cầu trong hướng dẫn thiết kế các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công năm 2009 của Uỷ hội.

{keywords}
Bản phác họa đập thủy điện Luang Prabang. Ảnh: Reuters

Vấn đề an toàn công trình, đặc biệt là bài toán sự cố đập do nguyên nhân động đất chưa được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh quan ngại về mối đe doạ đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực ngày càng tăng.

Căn cứ kết quả của các nghiên cứu trước đây, tác động lũy tích của tổ hợp các công trình thủy điện dòng chính là rất nghiêm trọng, có thể gây ra các thảm họa môi trường sinh thái và sự cố trước hết trên chính lãnh thổ của Lào, và về phía hạ du, đặc biệt là đối với ĐBSCL của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang tác động ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này.

Do đó, cần phải đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện tác động lũy tích của công trình thuỷ điện Luông Phra-bang và tổ hợp các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công. Cụ thể,  “các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mê Công có thể gây ra các tác động bất lợi tới môi trường, kinh tế- xã hội bao gồm cả các tác động xuyên biên giới cần phải được đánh giá đầy đủ và kỹ lưỡng để từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp và hiệu quả”.

Việt Nam mong muốn Lào phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiếp tục dành thêm thời gian và nguồn lực tiến hành các hoạt động bổ sung.

Đó là, thu thập và đo đạc thêm số liệu cần thiết, hoàn thiện phương pháp đánh giá tác động tổng hợp để có thể đánh giá được đầy đủ và toàn diện các tác động xuyên biên giới và lũy tích của tổ hợp các công trình thủy điện dòng chính, đặc biệt là tổ hợp ba công trình liền nhau khu vực Bắc Lào là Pắc Beng, Luông Pra-bang, và Xay-nha-bu-ly, về hạ du bao gồm ĐBSCL của Việt Nam.

Đảm bảo các biện pháp giảm thiểu tác động phát huy hiệu quả trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn sơ bộ thiết kế các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công của Ủy hội, đánh giá hiệu quả trên thực tế của các giải pháp cho công trình Xay-nha-bu-ly để điều chỉnh thiết kế cho công trình thủy điện Luông Phra-bang.

Khẩn trương xây dựng một quy trình vận hành liên hồ cho các công trình thuỷ điện của Lào đã và đang được chuẩn bị xây dựng, xây dựng một chương trình giám sát toàn diện về phù sa bùn cát và môi trường trong thời gian xây dựng và vận hành công trình.

{keywords}
Một đoạn sông Mê Công. Ảnh: TTXVN

Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về đảm bảo an toàn đập của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tiêu chuẩn quốc tế, có kế hoạch ứng phó trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến quản lý rủi ro và đền bù cho người dân bị ảnh hưởng ở hạ du bao gồm cả Thái Lan, Campuchia, và Việt Nam trong bối cảnh đã có sự cố công trình và bất ổn về địa chất trong vùng trong thời gian gần đây. 

Việt Nam đề nghị các hoạt động bổ sung nêu trên cần được triển khai thực hiện trước khi khởi công xây dựng công trình và tham khảo các cơ sở khoa học và khách quan. Việt Nam đề nghị Lào thường xuyên cập nhật thông tin về công tác chuẩn bị tiếp theo cho dự án thủy điện Luông Phra-bang.

Mặc dù công trình thủy điện Luông Phra-bang ở khá xa Việt Nam, nhưng tác động của tổ hợp toàn bộ các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam.

Tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ đáng kể nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Công quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này.

PV