36 tuổi mới lập gia đình, chị Ngọc sinh được một bé trai nhưng bé không may mắc bệnh Down. Chồng chị - người đã có một đời vợ và 2 đứa con riêng - bỏ đi từ khi con trai mới được 3-4 tháng tuổi.
‘Người ta đổ lỗi vì mình mà con sinh ra bị như thế. Chồng bỏ đi biệt tích, tôi cũng không biết bây giờ đang ở đâu, làm gì’, chị kể.
Trên miếng đất khoảng 25m2 chị được bố đẻ cho trước đây là căn nhà lụp xụp. Chính quyền xét thấy hoàn cảnh mẹ con chị khó khăn đã trích 60 triệu đồng trong quỹ xây nhà Đại đoàn kết để chị xây một căn nhà kiên cố hơn.
‘Anh em, họ hàng góp thêm 30 triệu, rồi mỗi người cho một tí, người thì góp công, người thì cho ít nguyên vật liệu… tôi mới xây được căn nhà này để 2 mẹ con nương tựa’.
Đồ đạc trong nhà chị - từ chiếc tivi, cái giường, tủ quần áo… đều là quà tặng của nhiều người, mỗi người cho một món.
Hai mẹ con chị Ngọc trong căn nhà 20m2 được Nhà nước hỗ trợ xây lên. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Từ khi chồng bỏ đi, chị xác định bắt đầu một hành trình mới là nuôi đứa con khuyết tật một mình. Cậu con trai đã hơn 3 tuổi nhưng cân nặng có lẽ chỉ bằng một đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi, đi lại nhanh nhẹn nhưng miệng ú ớ không nói được gì.
Trước đó, bé chưa đủ tuổi để gửi ở trường mầm non công lập nên chị phải gửi con ở nhà người ta với mức phí 2,5 triệu đồng/tháng để có thời gian đi làm.
Làng Trung Văn vốn có nghề nhặt rác nilon, nhựa nên chị đi phân loại nilon thuê cho người ta. ‘Nếu làm đủ tháng 30 ngày thì được 3 triệu/tháng’, chị kể.
Lúc vẫn còn gửi con được, chị đi làm không thiếu ngày nào mặc dù tiền đi làm thuê sau khi trả tiền gửi con chỉ còn dư vài trăm nghìn. Bố đẻ chị năm nay đã 80 tuổi nhưng vì thương con gái nên vẫn gắng gượng đi làm để có tiền hỗ trợ thêm cho con cháu. Hằng ngày các anh chị em ruột của chị sống gần đó cũng đùm bọc thêm cho 2 mẹ con.
Nhìn con trai đùa nghịch trên giường, chị kể: ‘Trộm vía cháu ăn uống, tiêu hoá tốt. Sáng dậy ăn sáng xong, đến 10 giờ là lại đòi ăn cuống lên. Tôi cũng định sau đợt nghỉ Tết sẽ gửi con trai ở trường mầm non công cho đỡ tốn kém nhưng chưa kịp gửi thì tình hình dịch bệnh thế này, gửi ở nhà riêng người ta cũng không nhận nữa nên 2 mẹ con lại phải ở nhà ôm nhau’.
Căn nhà tình nghĩa của mẹ con chị Ngọc. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Từ khi phải nghỉ việc để ở nhà trông con, chị Ngọc không có bất cứ nguồn thu nào. Tất cả chi phí cho 2 mẹ con trông chờ vào sự giúp đỡ của anh em và người bố đã 80 tuổi. Hội Phụ nữ phường Trung Văn cũng giúp đỡ cho 2 mẹ con 10kg gạo/tháng. Chế độ người khuyết tật gần 600 nghìn đồng/tháng của con trai, chị mới nhận được một thời gian ngắn.
Mấy hôm nay, chị rất phấn khởi khi mỗi ngày được nhận một suất quà của các nhà hảo tâm trong chương trình phát quà chia sẻ thực phẩm chống dịch Covid-19. Mỗi suất quà - ngày thì gạo trứng, ngày thì mỳ tôm, xúc xích - cũng giúp chị có thêm 1, 2 bữa ăn đủ no qua giai đoạn khó khăn này.
Chị Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cũng là hàng xóm của chị Ngọc cho biết, trên địa bàn phường có khá nhiều gia đình vẫn còn khó khăn như gia đình chị Ngọc. ‘Ngay cả khi không có dịch bệnh thì những gia đình này cũng đã thuộc diện khó khăn, luôn được chính quyền phường và hội phụ nữ quan tâm trước tiên. Thời gian dịch bệnh khiến kế sinh nhai của họ mất đi, cuộc sống càng túng quẫn hơn’.
Chị Hà cũng cho biết, từ khi được ban tổ chức chương trình từ thiện liên hệ, chị đã tham gia phát quà ở nhiều địa điểm nhưng thời gian đầu, các suất quà dường như không đến được đúng người cần.
‘Khi phát quà ở những con đường lớn, nhiều người qua lại, chúng tôi không biết những người đến nhận quà là ai. Có nhiều người đi xe tay ga qua, trông không có vẻ gì là người nghèo khổ nhưng cũng vào lấy một suất. Chúng tôi cũng chỉ dám nhắc bà con đọc thông điệp của chương trình, nếu mình đúng là đối tượng nhận quà thì hẵng lấy’.
Nhưng sau đó, ban tổ chức và phía chính quyền thay đổi cách thức phát quà. ‘Chúng tôi thay đổi địa điểm về UBND phường để người dân trong khu vực ai cũng biết. Ngoài ra, chúng tôi thông báo trên loa phát thanh, thậm chí thông báo đến từng hộ gia đình thuộc diện khó khăn để người dân đến đúng địa điểm, thời gian nhận quà. Còn trước đó, chúng tôi âm thầm phát ở đường lớn, bà con chỉ đi lại quanh nhà lại không biết đến chương trình’.
Những suất quà đã được trao cho đúng đối tượng cần. Ảnh: Điểm phát quà ở UBND phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội. |
Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Phan Huy Khôi - người khởi xướng chương trình ‘Chia sẻ thực phẩm hằng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19’ cho biết, để tránh tình trạng lương thực được trao không đúng đối tượng cần, ban điều phối chương trình đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương. Đồng thời, các cán bộ địa phương, tình nguyện viên tham gia chương trình cũng áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh. Ở một số điểm phát quà, các cán bộ địa phương đã chia thời gian phát quà thành nhiều lần trong ngày để tránh tụ tập đông người cùng một lúc.
Bị giật tiền giữa đêm, chị bán cá nghẹn ngào ôm 5kg gạo về nhà
Đi chợ lấy cá về bán giữa đêm, chị Huệ bị cướp giật tiền, suýt bị gãy chân. Nhận được phần quà của đoàn từ thiện trao, chị ôm vào lòng trân trọng.
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang