Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo lực lượng thanh tra ngành cần triển khai các chiến dịch thanh tra đột xuất, kịp thời, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội như thông tin điện tử, sách lậu, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2015) sáng 20/11, Bộ trưởng Son khẳng định, hoạt động thanh tra có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo, tăng cường hiệu lực của Quản lý nhà nước. Vì vậy, hoạt động của thanh tra cần được triển khai toàn diện, xông pha vào những lĩnh vực nóng mà dư luận đặc biệt quan tâm, bức xúc.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Không để xảy ra điểm nóng trong ngành TT&TT". Ảnh: T.Hương

Đánh giá cao hoạt động của thanh tra ngành kể từ ngày đầu thành lập, Bộ trưởng ghi nhận lực lượng này đã "không ngừng lớn mạnh", hoạt động thanh tra được triển khai tích cực, toàn diện, đã có nhiều đổi mới, cải tiến và luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ quản lý của Bộ. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được điều chỉnh linh hoạt và tăng cường hơn các cuộc thanh tra đột xuất, tập trung vào kiểm tra những lĩnh vực nóng, có tính thời sự và dư luận xã hội quan tâm. Các trường hợp vi phạm đã được xử lý một cách thường xuyên liên tục và công khai trên các phương tiện truyền thông đã phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa và tạo ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Công tác phòng, chống tham nhũng được gắn liền với các hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc xử lý khiếu nại, tố cáo được triển khai kịp thời, nhanh chóng, kết quả giải quyết thỏa đáng theo yêu cầu; hoạt động tiếp công dân được diễn ra theo đúng quy định.

Với những nỗ lực, phấn đấu và cống hiến hết mình trong nhiều qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành thanh tra thông tin và truyền thông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các địa phương và Bộ Thông tin và Truyền thông tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Không để xảy ra điểm nóng trong ngành TT&TT!

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thì thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng "khoảng trống pháp lý" để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi. Tình trạng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, không thực hiện nghiêm túc quy định quản lý thuê bao di động trả trước, cung cấp các trò chơi điện tử vi phạm thuần phong mĩ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý học sinh, sinh viên; lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi bị cấm vẫn đang là những vấn đề rất gây bức xúc.

Bên cạnh đó, các hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc từ các máy chủ nước ngoài cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích của mình; viết bài với những cách giật gân câu khách, đưa tin sai sự thật; một số những người làm báo vi phạm bản quyền, sao chép, cắt dán từ những bài báo khác thành sản phẩm của mình. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do dân chủ, các blog, diễn đàn thường xuyên đăng, viết bài xuyên tạc nói ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; đưa thông tin một chiều, không được kiểm chứng gây hoang mang trong dư luận.

{keywords}
(Ảnh: T.Hương)

"Những thực trạng nêu trên cho thấy vai trò và nhiệm vụ đặt lên vai của cán bộ làm công tác thanh tra đã trở nên phức tạp và nặng nề hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, môi trường pháp lý luôn được điều chỉnh, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn, các phương thức, hành vi vi phạm mới luôn phát sinh. Vì vậy, lực lượng thanh tra phải cập nhật kịp thời để phục vụ tốt cho công tác thực thi pháp luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết quả thanh tra sẽ là một sở cứ quan trọng để cơ quan quản lý phát hiện ra những sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách hiện hành, từ đó có những bổ sung, điều chỉnh thích hợp với thực tế.

Thanh tra phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng; "coi đấu tranh, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; lồng ghép công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí với hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước", Bộ trưởng yêu cầu.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra; nghiên cứu, đề xuất tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Ngành. Quan điểm chung là: "nâng cao khả năng phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, hạn chế cao nhất hậu quả có thể xảy ra".

Để phát hiện sớm các vi phạm, vướng mắc phát sinh, thanh tra ngành cần tuân thủ sự chỉ đạo, định hướng của Thanh tra Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là các Sở Thông tin và Truyền thông để nắm bắt tình hình thực tế; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp dân, không để tồn đọng kéo dài, vượt cấp.

"Đặc biệt không để xảy ra các điểm nóng trong hoạt động thông tin và truyền thông", Bộ trưởng quyết liệt.

Ngày 9/11/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/2001/QĐ-TTg về tổ chức Thanh tra Nhà nước về Bưu điện, đến tháng 6/2003 được đổi tên thành Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và CNTT. Tháng 8/2007, Thanh tra TT&TT tiếp tục được củng cố, hoàn thiện trên cơ sở tiếp nhận thêm chức năng thanh tra báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa, thông tin. Triển khai Luật Thanh tra năm 2010, đã có 5 Cục được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành là Cục Tần số, Cục Viễn thông, Cục Báo chí, Cục Xuất bản, in & Phát hành; Cục PTTH&TTĐT.

Trọng Cầm