Theo ghi nhận từ thực tế, những lo lắng cốt lõi hiện nay của du khách khi đi du lịch vẫn là nhiễm bệnh và bị cách ly.
Kết quả một khảo sát do Outbox Consulting (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Quản lý điểm đến) công bố gần đây cho thấy, số lượng du khách tham gia khảo sát lo lắng nhất khi chọn điểm lưu trú là yếu tố vệ sinh-an toàn chiếm 92%; sẽ không đi du lịch nếu họ bị tiến hành cách ly tại điểm đến (83%); cách ly có rủi ro ngang bằng với việc nhiễm virus COVID-19 (83%); việc công khai và làm theo tiêu chuẩn an toàn của Chính phủ là điều quan trọng (79%)...
Vậy làm sao để giảm thiểu sự lo lắng của du khách là vấn đề quan trọng và đây là câu hỏi lớn cho ngành du lịch toàn cầu, chứ không riêng gì tại thị trường Việt Nam.
Bởi vậy, cần sớm có Bộ tiêu chí an toàn với những mục tiêu cốt lõi, được triển khai đồng nhất tại tất cả đơn vị cung ứng dịch vụ và đối với du khách. Bộ tiêu chí sẽ là nền tảng cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp và nhân lực trong ngành du lịch triển khai thuận lợi các quy định, quy chế về phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ tiêu chí sẽ góp phần bảo đảm những tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe cộng đồng, từ đó tạo sự tin tưởng cho du khách về các tiêu chuẩn an toàn và thể hiện sự chủ động giúp du khách tiếp cận những trải nghiệm mới khi đi du lịch tại điểm đến mới.
Muốn thu hút khách du lịch một cách bền vững và giữ chân du khách ở lại lâu hơn, trước hết cần đưa ra được tiêu chí thế nào là địa điểm du lịch an toàn, sau đó là việc tự nguyện tuân thủ của các tổ chức, doanh nghiệp để hình thành một mục tiêu chung về cung cấp dịch vụ du lịch an toàn. Đồng thời, các tiêu chí phải vừa đảm bảo tính an toàn, kiểm soát được dịch bệnh nhưng cũng cần thông tin đơn giản, dễ hiểu và minh bạch đến du khách, tạo cho họ sự thoải mái, tin tưởng.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn với dịch bệnh thì tại Việt Nam việc khống chế dịch bệnh đang tiến triển tốt. Hơn thế nữa, các công ty quản lý khách sạn quốc tế cũng thông báo các chỉ số yêu cầu đi du lịch đến Việt Nam năm 2021 cao một cách ấn tượng.
Do đó, Việt Nam đang ở thời điểm tốt để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng khi quay trở lại và dự báo đến giữa năm 2021 Việt Nam sẽ đón nhiều du khách hơn nếu có quy trình rõ ràng và mọi người cùng tuân thủ phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay, vấn đề du lịch an toàn không chỉ được xem là điều kiện ưu tiên hàng đầu, mà thị trường du lịch còn đòi hỏi mọi thứ xung quanh đều phải an toàn.
Tuy nhiên, đơn vị kinh doanh không thể chờ dịch bệnh bị triệt tiêu hoàn toàn mới trở lại hoạt động, mà phải hành động để tồn tại và duy trì vận hành công ty. Trên thực tế, nhu cầu tổ chức hoạt động hội nghị, ẩm thực... đã bắt đầu quay trở lại với các nhà hàng, khách sạn trong thời gian qua. Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện tốt quy trình đón chuyên gia vào Việt Nam để làm việc, công tác.
Theo một số chuyên gia, điều quan trọng là doanh nghiệp cần đảm bảo những tiêu chí đồng nhất để duy trì sự an toàn, bền vững cho ngành du lịch nói chung và mỗi đơn vị kinh doanh nói riêng. Trong đó, doanh nghiệp lữ hành cần xác định an toàn thị trường nội địa trước để vực dậy hoạt động kinh doanh. S
Song song đó, ở mảng dịch vụ Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài), doanh nghiệp lữ hành nên giữ liên lạc để có thể kết nối khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi.
Tuyết Nhung, Vân Anh, Hoàng Giang