Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, việc thanh toán theo phương thức này khó đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc nghiên cứu, đề xuất, ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải phát ưu việt, cần được áp dụng rộng khắp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng có xu hướng tăng dần với giá trị giao dịch lớn. Tổng phương tiện thanh toán tăng dần theo tỷ lệ từ 86% ở năm 2016 lên đến 88,95% vào năm 2020.

Điểm nổi bật là thanh toán bằng thẻ ngân hàng đang là một trong những phương tiện thanh toán nội địa chủ yếu cho khu vực dân cư; tỷ trọng thanh toán bằng thẻ trong tổng phương tiện thanh toán tăng lên cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch, số thẻ được phát hành cho người dân đã có sự tăng trưởng khá nhanh; nếu như năm 2016, toàn thị trường mới có khoảng 111 triệu thẻ thì đến cuối năm 2018, con số này đã lên tới hơn 153 triệu thẻ, tăng gần 38%. Đến nay, đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng…

Từ nhiều năm nay, ngành ngân hàng nước ta rất chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng và công nghệ cho phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code - Quick Response), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc,... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động cho phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn cấp phép hoạt động cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính… Hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng.

Tính đến cuối năm 2019, trên toàn quốc có khoảng 18.900 máy ATM và 282.900 máy POS, tỷ lệ tăng tương ứng 17,3% và 44,5% so với năm 2018. Chỉ riêng năm 2019, giá trị giao dịch bình quân qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đạt gần 375 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 17 tỷ USD/ngày); giá trị giao dịch qua POS đạt 491 nghìn tỷ đồng/năm; qua điện thoại di động đạt 4,264 nghìn tỷ đồng/năm; qua internet đạt 17.729 nghìn tỷ đồng/năm (tăng tương ứng 66,3%, 221,2% và 36,6% so với năm 2018).

Rõ ràng, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng chiếm ưu thế vì những ưu điểm như: Độ an toàn cao, nếu bị mất thẻ tín dụng, chủ thẻ chỉ cần báo khóa thẻ là thẻ sẽ không thực hiện được giao dịch, còn tiền mặt thì điều này rất bất lợi. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành như hiện nay, phương thức thanh toán không dùng tiền có thể được xem là một phương thức an toàn xét ở khía cạnh bảo vệ sức khỏe, giúp người sử dụng quản lý chi tiêu dễ dàng.

Hiện tại, tất cả các ngân hàng đều có ứng dụng để khách hàng có thể truy cập và theo dõi các khoản thu chi bất cứ lúc nào; để mang đến sự tiện lợi cho người sử dụng, ngày càng có nhiều điểm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ chấp nhận phương thức thanh toán trên.

Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt cũng nhanh hơn, chính xác hơn so với việc sử dụng tiền mặt trong việc kiểm, đếm; phía cơ quan quản lý nhà nước không phát sinh thêm chi phí in ấn; khách hàng có thể tận dụng được các chương trình khuyến mãi, tích điểm…; các ưu đãi này được các đơn vị chấp nhận thanh toán triển khai với chủ trương kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh tiến độ phủ sóng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Đó là: Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ; các chính sách về thanh toán chưa có đột phá đáng kể, chưa được luật hóa; các quy định còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể (như tiền ảo, tiền điện tử…) để tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả, khách quan; cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức.

Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, dẫn đến tình trạng lãng phí do không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng. Đồng thời, còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ...

Nguyễn Hằng, Anh Dũng, Thanh Bình