Chiều ngày 19/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Để đưa vào thực tiễn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như quy định về trình độ tương đương hay các nội dung liên quan tới phổ cập y tế, phổ cập giáo dục, tăng hiệu quả cho cán bộ trong ngành y tế. Tuy nhiên, sau khi thông qua, Luật này được mong đợi tạo một "cú húych" mới cho các trường Đại học, trường Cao đẳng trên cả nước, tạo sự lan tỏa đồng bộ cho hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Phóng viên đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về một số nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật.
Phóng viên: Theo Đại biểu, khi luật được áp dụng vào thực tế sẽ có tác động thế nào đối với các trường Đại học trên cả nước trong quyền tự chủ tài chính?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Có thể nói, mấu chốt của việc sửa đổi luật lần này nhằm nâng cao hiệu quả, mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục Đại học và điều này được thể hiện ở 3 phương diện, đó là: tự chủ về chuyên môn, tự chủ về tổ chức nhân sự và tự chủ về tài chính tài sản.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long |
Đối với phương diện tự chủ về tài chính, Luật đã mở rộng cho phép các cơ sở giáo dục Đại học được sử dụng quyền của mình trong tự chủ nguồn thu từ học phí, hoạt động sự nghiệp và được sử dụng các nguồn thu đó một cách chủ động thông qua quy chế của nhà trường do Hội đồng trường bàn bạc và quyết định. Các nội dung về tài chính nhà trường đc quy định trong các hoạt động đầu tư, chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các nguồn thu đó nhà trường đựoc phép sử dụng để chi lương, chi phí quản lý và các hoạt động chuyên môn. Đây là những nội dung rất cởi mở của Luật lần này liên quan tới quy định tự chủ tài chính.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, có nhiều ý kiến băn khoăn rằng khi luật được thông qua và đi vào đời sống thì Chính phủ và các bộ, ngành phải làm gì để nó thực sự đem lại hiệu quả tích cực?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Luật nói chung và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nói riêng, có thể thực hiện được thì các cơ quan chuyên môn đều phải tích cực triển khai; phải có hệ thống Nghị định, Thông tư hướng dẫn luật, và phải được soạn thảo sớm và ban hành đồng bộ khi luật có hiệu lực để luật sớm đi vào cuộc sống.
Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đây là luật chuyên ngành, có khá nhiều nội dung trong dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết như quy hoạch mạng lưới, thành lập Hội đồng trường, thành lập phân hiệu của các cơ sở giáo dục Đại học, bằng cấp và trình độ tương đương trong Đại học... Những quy định được giao cho Chính phủ cần được sớm xây dựng các nghị định để quy định cụ thể những nội dung này. Sau khi xây dựng các hệ thống văn bản hướng dẫn luật, Chính phủ phải tổ chức phổ biến rộng rãi trong xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng điều chỉnh của luật để luật đi vào cuộc sống.
Theo Quochoi.vn