Cuối chiều 2/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương cùng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo về "Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững”.

Làm rõ diễn biến của dịch Covid-19 với biến chủng mới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

{keywords}
Họp báo về diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”

Thông qua diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.

Diễn đàn nhằm phát huy tối đa, tập hợp được đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các vị ĐBQH mà đông đảo nhân dân, cử tri; thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế.

Từ đó hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định.

Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch Covid-19 và kết quả.

Các đại biểu sẽ làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của Covid-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Diễn đàn sẽ đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội; huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực…

Trong 2 năm tới, nợ công và bội chi có thể tăng lên

Trả lời báo chí về chính sách tài khóa tiền tệ trong chương trình phục hồi tổng thể kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, gói chính sách này sẽ được trình tới Quốc hội trong kỳ họp bất thường tới đây.

Theo ông Thanh, trong bối cảnh khó khăn và tác động của dịch bệnh, việc có gói chính sách hỗ trợ là cần thiết nhưng đến nay Chính phủ chưa trình sang.

{keywords}
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

"Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, diễn đàn tới đây sẽ nghe ý kiến chuyên gia về gói hỗ trợ này cho phục hồi và phát triển kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Về tác động của gói hỗ trợ này đối với nợ công và bội chi, ông Thanh cho biết trong bối cảnh đặc biệt thì cần phải có gói chính sách đặc biệt. Việc tăng bội chi và nợ công để kích thích nền kinh tế là cần thiết. Vì vậy, trong 2 năm tới, nợ công và bội chi có thể tăng lên.

Tuy nhiên, ông cũng thông tin thêm, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn để thực hiện nên gói chính sách đặt ra yêu cầu phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung ngành lĩnh vực cấp bách và cần thiết. Vì vậy không nên lo ngại tăng trần nợ công mà vấn đề là sử dụng hiệu quả nguồn chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ cho tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.

Do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc quản lý, giám sát phải công khai, minh bạch, tránh phân tán, có trọng tâm trọng điểm, chống lợi ích nhóm.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, gói hỗ trợ phải đủ quy mô mới có đủ tác dụng và hiện vẫn còn dư địa cho chính sách này, trong đó trần nợ công còn dư địa nhiều hơn, với khoảng 43,7%/GDP. Nội dung này sẽ được diễn đàn thảo luận kỹ lưỡng.

Theo ông Tuấn, gói hỗ trợ sẽ tập trung vào nâng cao năng lực y tế, gồm y tế dự phòng, y tế cơ sở cùng các vấn đề xã hội. Theo đó, Chính phủ cần rà soát lại các trọng tâm với mục tiêu ngắn hạn là hỗ trợ doanh nghiệp với công cụ tài chính, thuế, phí; tiếp cận nguồn vốn, tín dụng; gắn với tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận lao động, thông tin; hỗ trợ người lao động.

Trong dài hạn, Chính phủ cần khơi thông các động lực và trụ cột tăng trưởng, đảm bảo vốn, công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số…

Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 5/12 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài đầu cầu tại Hà Nội, diễn đàn còn kết nối với 57 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự và có bài phát biểu khai mạc, bế mạc.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường giới thiệu website chính thức của Diễn đàn với tên miền là: diendankinhte.quochoi.vn.
Website có 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, là công cụ để Ban Tổ chức tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021 mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức diễn đàn tiếp theo.
Trang thông tin điện tử sẽ giúp các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí  trong và ngoài nước cũng như các cá nhân có nhu cầu khai thác, tìm hiểu thông tin, tài liệu tham khảo đa dạng và phong phú liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, Website Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sẽ cung cấp kịp thời các tài liệu, ảnh, video tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên, nhà báo khai thác, phục vụ công tác đưa tin về diễn đàn.

Thu Hằng

Quốc hội dự kiến họp chuyên đề cuối năm bàn về phục hồi kinh tế

Quốc hội dự kiến họp chuyên đề cuối năm bàn về phục hồi kinh tế

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề của Quốc hội, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1/2022.