Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.

Muốn thực hiện mục tiêu này trong thời gian tới công nghiệp hỗ trợ phải giải quyết nhiều vấn đề trong đó một trong những việc quan trọng cấp bách cần làm là cần phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam theo dạng chuỗi giá trị, các giải pháp cần làm trong thời gian tới.

Theo phân tích của TS Nguyễn Thị Kim Thu, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để phát triển CNHT, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, trước hết về cơ chế chính sách, cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển, tranh thủ những điều kiện của các Hiệp định tương tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới, xây dựng các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho CNHT của chúng ta có điều kiện phát triển.

Bà cho rằng, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách phát triển CNHT: Trước mắt, cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP liên quan đến phạm vi CNHT; làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: Cơ khí, ô tô, dệt may, da – giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển, bao gồm các chính sách về thị trường, phòng vệ thương mại và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ khi Việt Nam tiến hành hội nhập thông qua các Hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cần xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành CNHT phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước…

Thứ hai, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các DN CNHT trong nước. Đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn, gắn với việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các DN trên địa bàn để DN tiếp cận đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

Thiết bị máy móc cho ngành công nghiệp hỗ trợ cần được đổi mới (ảnh: Băng Dương)

Thứ tư, phát triển chuỗi giá trị trong nước, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Cụ thể, bảo đảm quy mô thị trường nội địa thông qua các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế; xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết; triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh; phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại.

Thứ sáu, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng. Các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp.

Cần tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ  (ảnh: Băng Dương)

Cần tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.

Băng Dương (ghi)