Thời gian qua, tỉnh Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tỉnh thực hiện những dự án hiệu quả đã tạo nên bức tranh tổng thể có nhiều gam màu tươi sáng về kinh tế lẫn đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số. Tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, câu chuyện phát triển kinh tế đã không chỉ dừng lại ở nỗ lực giảm nghèo mà còn là khát vọng làm giàu.
Tại xã Thới Xuân, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất ở TP Cần Thơ, vùng quê từng được xem là xã nghèo của huyện Cờ Đỏ nay đã chuyển mình rõ rệt. Dọc các thôn, xóm nhà cửa khang trang với đầy đủ điện, đường, trường, trạm...
Đại diện UBND xã Thới Xuân cho biết, đến nay, xã chỉ còn 1 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Các chương trình, dự án đầu tư cho xã Thới Xuân đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào Khmer tại địa phương. Người dân không chỉ lo làm ăn để thoát nghèo mà còn thi đua phấn đấu trở thành hộ khá, giàu.
Quận Ô Môn, TP Cần Thơ cũng là một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ðến nay, quận Ô Môn chỉ còn 17 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 1,75%); thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc thiểu số tăng từ 9 triệu đồng năm 2004 lên 90 triệu đồng năm 2023.
Với sự hỗ trợ nhiều mặt của cả hệ thống chính trị, 20 năm qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng trên địa bàn quận Ô Môn đã được nâng lên rõ rệt; hàng trăm hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, nhiều hộ có cuộc sống dư giả; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng hoàn thiện.
Đại diện Ban Dân tộc TP Cần Thơ, cho biết, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ bố trí thêm đất ở cho khoảng 60 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm ổn định. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn dưới 1% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số và cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương vào năm 2030.