Trước bối cảnh đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 - NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết này là hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài.
Có thể ví, việc Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 10 như là phá bỏ bức tường thành kìm hãm sản xuất nông nghiệp của nước ta tồn tại mấy chục năm trước đó, tạo bước đột phá về cơ chế quản lý, mở đường cho sản xuất nông nghiệp phát triển.
Nhờ vậy, từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên, nhưng đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10), sản lượng thóc của cả nước đạt 21,5 triệu tấn, và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn thóc gạo. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia hàng đầu của thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo của thế giới.
Khoán 10 trở thành cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng ta tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, mở đường cho kinh tế thị trường phát triển ở Việt Nam và đã đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội quan trọng.
Tuy nhiên đến nay, trên một số lĩnh vực, điển hình là ngành điện vẫn chưa thoát khỏi cơ chế quản lý kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Vì vậy đã để lại những hệ lụy lớn về kinh tế, xã hội. Điển hình là tình trạng thiếu điện và ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong mùa hè năm 2023.
Một thực tế dễ nhận thấy nhất của cơ chế quan liêu, bao cấp trong ngành điện trước nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng trong suốt 5 năm vừa qua chỉ mỗi nhà máy điện có công suất lớn là nhiệt điện Thái Bình 2 (khởi công từ tháng 3/2011) đi vào hoạt động.
Đây là hệ quả của tầm nhìn hạn chế, phát triển ngành điện không bám sát nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; không có tính hệ thống xuyên suốt.
Có thể đánh giá, đến nay cung cách phát triển ngành điện ở nước ta vẫn theo lối tư duy quan liêu, bao cấp và lối tư duy nông dân thiếu tầm nhìn, lỗ mỗ, lụn vụn.
Chẳng hạn hưởng ứng chủ trương phát triển nguồn năng lượng xanh để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu các địa phương đã cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời (ĐMT) và điện gió, nhưng ngành điện không đồng thời xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ.
Không những vậy, cơ chế mua bán ĐMT và điện gió cũng hết sức bất hợp lý, khi quy định “Dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23 tháng 11 năm 2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện quy định tại Phụ lục của Quyết định này” (trích Quyết định số: 13/2020/QĐ-TTg về Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam).
Vì quy định đó mà từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp đầu tư phát triển ĐMT, điện gió và Bộ Công Thương không thể thống nhất được giá mua bán điện.
Vì thiếu đường dây truyền tải đồng bộ và bất hợp lý trong trong thực hiện giá cả mua bán điện, dẫn tình trạng hàng loạt nhà máy ĐMT và điện gió hoàn thành sau năm 2020, với tổng công suất phát điện khoảng 4.700 MW (gấp 2,5 lần công suất Thủy điện Hòa Bình) không được hòa lưới, gây lãng phí lớn tài nguyên quốc gia, tài sản doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh vì thiếu điện.
Thực trạng đó được báo chí phản ánh liên tục từ năm 2021 đến nay, nhưng Bộ Công thương đều làm ngơ. Chỉ khi vào giữa mùa hè năm 2023, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thiếu điện trầm trọng, đến mức phải cắt điện luân phiên ở nhiều doanh nghiệp và điện dân sinh ở nhiều địa phương, để lại những hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề thì Bộ Công thương mới chấp nhận cho một phần công suất điện trên đây được hòa lưới.
Nguyên nhân của vấn đế này, trong khi hệ thống truyền tải điện không được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ với phát triển nguồn điện nhưng cũng không tháo gỡ cơ chế để tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải. Và mặc dầu nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng Nhà nước vẫn giữ quyền quyết định giá cả mua bán điện, cho thấy lối tư duy quan liêu, bao cấp đang là cản trở rất lớn đối với tầm nhìn phát triển ngành điện.
Vì vậy đến nay, hệ thống thị trường của ngành điện ở Việt Nam vẫn là thị trường độc quyền. Bởi, trên danh nghĩa đã chuyển sang cơ chế thị trường nhưng trên thực tế cơ chế thị trường chưa được vận dụng đầy đủ trong phát triển nguồn điện cũng như trong bán buôn, còn bán lẻ vẫn theo cơ chế bao cấp.
Chẳng hạn, trong khi thực hiện biểu giá điện hỗ trợ (FIT) trong sản xuất ĐMT và điện gió nhưng vẫn thực hiện cơ chế bao cấp trong bán điện. Vì vậy, khi EVN mua điện đầu vào của các nhà đầu tư ĐMT và điện gió với giá cao, nhưng giá điện bán ra lại thấp hơn cả giá thành sản xuất điện. Cơ chế này hoàn toàn trái với Quy luật Giá trị (quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và lưu thông hàng hoá). Cách vận hành như vậy trong kinh tế thị trường rất bất cập trong hoạt động quản lý, điều hành kinh tế.
Cứ ngỡ, qua đợt thiếu điện ở miền Bắc vào mùa hè năm 2023, Bộ Công thương sẽ mổ xẻ nguyên nhân để tìm ra những bất cập trong quan lý, điều hành sản xuất và cung ứng điện. Nhưng qua nội dung của bản Dự thảo báo cáo Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam do Bộ này chắp bút cho thấy tầm nhìn và lối tư duy quan liêu, bao cấp không hề thay đổi.
Kì tới: Ngành điện không thể ôm đồm
Nguyễn Huy Viện