Hội nghị Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/8/2019. |
Tại "Hội nghị Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Một số cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý" do Bộ Công Thương và Bộ Khoa học & Công nghệ đồng tổ chức vào ngày 27/8 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, chế định về sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ có tác động trực tiếp và to lớn đến thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.
EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền SHTT. EU đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT.
Trong khi đó, là quốc gia đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm SHTT so với đối tác EU, Việt Nam rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc nhận diện những thách thức đối với thực thi quyền SHTT của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại đối với sự phát triển kinh tế bền vững và khai thác tối đa lợi thế so sánh của Việt Nam. Pháp luật Việt Nam khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về SHTT, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền SHTT tới các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cũng như những yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh cho biết, kết quả rà soát về tuân thủ Hiệp định EVFTA cho thấy, hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, gồm: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; Quy trình và cách thức thực hiện bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; Cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; Nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trong tác phẩm. Đây là các quy định rất chi tiết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận.
Ông Trần Hữu Linh cũng cho rằng: "Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm dưới đây để cải thiện công tác thực thi quyền SHTT trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực. Bao gồm, xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT và thực thi quyền SHTT. Nâng cao năng lực chuyên môn về SHTT và năng lực thực thi công vụ cho cơ quan, lực lượng chức năng. Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động. Đổi mới, nâng cao việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT; vận động người tiêu dùng chủ động tham gia phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các dấu hiệu vi phạm để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Tận dụng một cách có hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong công tác thực thi quyền SHTT cũng như trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện tại và tương lai cho cơ quan thực thi".