Ts Trần Đình Thiên tin rằng VN đang có cơ hội lớn để tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ hơn. Ông lý giải, áp lực bên ngoài từ những cam kết hội nhập đẳng cấp cao cộng với sức nén từ những khó khăn kinh tế vừa qua buộc VN phải thực sự cải cách.
>> Công trình tiền tỷ bỏ hoang là chuyện bình thường! >> Phong cách Đinh La Thăng và chuyện quy trách nhiệm cá nhân >> Sân bay Long Thành trước gánh nặng nợ công
VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn với Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN và anh Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Luật làm chậm vì trói tay các cơ quan quản lý
Việt Lâm: Các chuyên gia đã phân tích đến sự cấp thiết phải xây dựng đồng bộ các luật liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, bởi đó là linh hồn cơ chế. Nhưng trên thực tế thì tiến độ làm luật còn khá chậm. Chỉ thị 1792 ra đời cách đây 3 năm, nhưng Luật Đầu tư công thì đến năm sau mới có hiệu lực. Dự luật Ngân sách thì kỳ họp QH lần này mới cho ý kiến lần đầu. Luật Quy hoạch, luật về quản lý phần vốn nhà nước trong các DNNN chưa thấy bóng dáng. Tại sao lại như vậy?
Nguyễn Xuân Thành: Đánh giá một cách khách quan thì sự đi vào cuộc sống của các văn bản luật giai đoạn vừa qua so với thời kỳ đầu Đổi mới trong thập niên 90 chậm hơn rất nhiều. Việc chậm chạp như vậy có thể vì những luật mới rất hay, rất tích cực nhưng lại theo hướng trói tay các cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng ta có thể hình dung thế này. Thời kỳ những năm 90 là sự cởi trói, bung ra thị trường. Sau đó, chúng ta thấy vì thiếu luật nên các cơ quan nhà nước hoặc là làm tuỳ tiện, hoặc không dám làm kiểu không có văn bản này tôi không làm vì không an toàn. Đấy là những người muốn làm tốt, còn những anh muốn trục lợi thì càng không có văn bản càng có nhiều cơ hội.Còn bây giờ, khi chúng ta làm luật, chính là để điều tiết hành vi. Nói cách khác, khi đã có luật rồi thì các cơ quan quản lý nhà nước thấy khó làm. Do vậy, động cơ để đẩy nhanh luật không có.
Khi ấy, anh soạn thảo luật phải mất rất nhiều thời gian. Thực ra, quá trình soạn thảo luật là một cuộc thương lượng giữacơ quan quản lý nhà nước ở các cấp. Chẳng hạn như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư rất muốn có Luật Đầu tư công để các dự án đầu tư công sắp tới được làm hiệu quả hơn. Nhưng bản dự thảo đầu tiên đưa ra, các cơ quan khác lại thấy như thế này thì mình mất quyền lợi,mình bị trói tay, thế thì mình phải đấu lại, phải yêu cầu sửa lại. Từ đó dẫn đến tình trạng kéo dài. Kéo dài việc làm luật thì nền kinh tế phải chịu, chứ không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của cơ quan mình nên cũng không sao. Thành ra quá trình làm luật bị chậm là như vậy.
Ý kiến cá nhân của tôi là không thể tránh khỏi chuyện thương lượng trong quá trình làm luật bởi vì nó động chạm đến quyền lợi của nhiều bên. Vấn đề là làm thế nào để quá trình thương lượng ấy diễn ra một cách hiệu quả.
Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright VN Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ts Trần Đình Thiên: Cách của ta bây giờ là một bộ chủ trì làm luật rồi các bộ lin quan có ý kiến, thôi thì nó dễ đụng chạm, nó thế nọ thế kia, kéo theo cả quá trình bị chậm lại. Theo tôi, làm luật, nhất là luật chung vĩ mô thì phải cho một nhóm chuyên gia độc lập làm. Bởi vì đây là luật liên quan đến cả hệ thống vĩ mô điều tiết, đụng chạm đến tất cả, nên nhóm soạn thảo phải đứng trên tất cả các lợi ích ngành hay lợi ích cục bộ. Khi đó, mục tiêu phải được xác định rõ, là thay đổi luật để phục vụ kinh tế thị trường chẳng hạn, chứ không phải chỉ thuận lợi cho quản trị nhà nước, không phải cho ông nhiều khe hở.
Nói nguyên lý thì dễ, làm mới khó. Nhưng thực ra không còn cách nào khác cả. Thế giới họ đã làm trước rồi. Phải dựa trên tiêu chí như vậy để làm luật. Ông muốn thương lượng kiểu gì thì cuối cùng quyền quyết định vẫn là người đứng đầu chính phủ, thông qua nhóm chuyên gia này. Phải độc lập mới làm được.
Nguyễn Xuân Thành: Tôi muốn nói thêm rằng luật tốt là một chuyện còn vấn đề ở chỗ thực thi luật trong cuộc sống như thế nào. Quay lại chuyện tái cơ cấu đầu tư, chúng ta thấy là cho dù có luật hay không thì nếu có quyết tâm chính trị, nếu các cơ quan quản lý nhà nước thực sự muốn thay đổi, muốn thúc đẩy tiếp nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công thì chúng ta vẫn làm được. Ví dụ như bức tranh đầu tư công hiện tại có hai mặt rất rõ. Mặt tiêu cực thực ra là những dự án đã bị trục trặc rồi, tức là do anh đã làm từ trước, anh bố trí vốn không đủ, dự án không có hiệu quả nhưng vì cơ chế trước đây nên không sửa được, đành phải để đó. Nói cách khác, công trình đội vốn, bỏ hoang phần lớn là do di sản thời trước.
Còn mặt bên kia của bức tranh khá tích cực. Những dự án làm đúng theo quy trình, chỉ làm khi được đánh giá là có hiệu quả và được bố trí đủ vốn thì thời gian qua thực hiện rất đúng tiến độ, không bị đội vốn. Năm ngoái trường Fulbright có làm một nghiên cứu rà soát lại các dự án đầu tư công ở TP.HCM và thấy rằng: dự án mà đã trục trặc thì vẫn trục trặc. Trong khi đó, đến 90% các dự án đầu tư công mới trong 3 năm qua không những đúng tiến độ mà còn trước tiến độ, không những không bị vượt dự toán mà còn tiết kiệm được tiền.
Xử lý thế nào với dự án tồn đọng do cơ chế cũ?
Việt Lâm: Dẫn chứng anh Thành vừa nêu đặt ra một vấn đề quan trọng: Khi chúng ta tiến hành cải cách thì nên ứng xử làm sao với những di sản quá khứ? Không lẽ bây giờ chúng ta vứt bỏ hết những dự án không có hiệu quả ấy đi, coi như chấp nhận đã ném mất một số tiền lớn ban đầu. Hay là “cố đâm lao phải theo lao” hoàn thành cho xong những công trình dở dang này?
Nguyễn Xuân Thành: Theo tôi có 2 hướng xử lý. Một là hướng kỹ trị, giao cho bác sỹ phẫu thuật xử lý. Tức là anh thiết lập một cơ quan, có thể nằm trong bộ, với sự tham gia của các chuyên gia, có đủ thẩm quyền để rà soát những dự án dở dang và ra quyết định cắt là cắt, không là không. Đây là cách thức “bàn tay sắt” mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm. Nếu các chuyên gia thẩm định rằng dự án này ngay từ đầu không hiệu quả rồi, trong số 100 tỷ đã chi 30 tỷ nhưng thà mất 30 tỷ còn hơn mất thêm 70 tỷ thì ra quyết định cắt luôn, nhưng không quy trách nhiệm. Chúng ta chấp nhận đau thương bởi cái đấy là sai từ trước rồi.
Cách thứ hai theo hướng chính trị, để các nhà chính trị quyết theo kiểu:Đồng ý cho các anh khởi động lại toàn bộ dự án đang dở dang. Nhưng tổng nguồn vốn chỉ được từng này, các anh cứ chạy đua đi, anh nào mạnh hơn thì được làm, anh nào không mạnh bằng thì bị cắt nhưng phải chốt tổng số tiền, chốt khoảng thời gian. Ví dụ, tôi sẽ chỉ cho anh khởi động lại trong ba năm tiếp theo với tổng số tiền này và bây giờ Bộ Kế hoạch Đầu tư đứng ra chủ trì trong vài tháng tới mà làm. Tiêu chí được giữ hay bị cắt đó là tiêu chí chính trị.
Ts Trần Đình Thiên: Tôi đồng ý với anh Thành là phải
có một bộ máy độc lập để đánh giá hiệu quả. Hiệu quả kinh tế xã hội từng loại dự
án phải có chuẩn mực rõ ràng. Nếu hiệu quả kinh tế là chính thì phải lấy hiệu
quả kinh tế là chính. Chứ nếu gài thêm tiêu chí chính trị như anh Thành nói thì
có vi phạm không?
Nếu hiệu quả kinh tế của dự án không bằng so với việc lấy vốn ấy để đầu tư cái
mới thì phải cắt bỏ, không làm nữa. Nhưng không phải cắt đơn giản, kiểu vứt vốn
đâu. Đối với hiệu quả kinh tế - xã hội cũng vậy. Phải có chuẩn mực đo lường cụ
thể, nếu nhà nước tiếp tục làm thì phải có điều kiện nào.
Theo tôi, cũng có thể tính đến phương án cho đấu thầu bán lại dự án, bán rẻ cũng được bởi vì nó giống như cổ phiếu. Chứ không thể duy trì cách làm kiểu cũ được. Tôi cho rằng cách này có thể phần nào cứu được vốn. Tôi đã có lần nói với nhóm Fullbright về cổ phần hoá DNNN rằng giải tán DNNN thì dễ thôi nhưng nếu thế thì cần gì mời các chuyên gia Fulbright vào để giải quyết. Vấn đề là VN mình còn nghèo, làm sao để đống tài sản ấy còn giữ được, phải phát huy được tác dụng. Theo cách này thì dĩ nhiên là sẽ khó hơn, mất thời gian tính toán nhiều hơn.
Nguyễn Xuân Thành: Nhưng muốn bán được dự án thì điều kiện đầu tiên là dự án đấy có hoàn vốn. Trong số các dự án đầu tư công (các dự án từ vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng, ODA và các nguồn vốn khác từ nhà nước), có một số dự án có thu, tức là có khả năng hoàn vốn. Những dự án ấy có thể bán được.
Tuy nhiên, có nhiều dự án không có khả năng hoàn vốn, ví dụ như anh xây con đường, cây cầu mà không thu phí, xây trụ sở UBND, tượng đài…Những dự án này không có thu, nên cũng không thể bán được.
Theo cách của anh Thiên thì chúng ta có thể tập trung vào những dự án có nguồn thu có thể bán được, ví dụ như nhà máy xử lý rác, nhà máy xử lý nước sạch, một con đường, cây cầu có thu phí. Phương án này có điểm hay là khi dự án không bán được cũng là tín hiệu cho thấy dự án của anh không hiệu quả. Nếu anh bán được với giá rẻ hơn nghĩa là ban đầu dự án có hiệu quả, nhưng vì anh làm không tốt, để đội vốn lên. Bây giờ doanh nghiệp tư nhân người ta biết có thể làm tốt hơn nên người ta nhảy vào mua, người ta trả cái giá thấp hơn thì anh cũng bán được, thu được một phần vốn về.
Cách của anh Thiên rất hay, dùng thị trường để quyết định. Nhưng vẫn có vấn đề áp lực chính trị ở đây. Chúng tôi quan sát thấy rất nhiều dự án DN đang làm nhưng có xu hướng muốn trả lại cho nhà nước. Như vậy, nhà nước muốn thoái vốn ra còn không được thì giờ tìm đâu ra tiền để mua lại những dự án mà DN đòi trả lại.
Ts Trần Đình Thiên: Vấn đề anh Thành đề cập liên quan đến chuyện nhà nước mắc nợ vốn DN. Tức là ông cam kết với người ta nhưng không cung cấp đủ vốn, để DN phải đi vay với lãi suất cao. Dự án làm xong lại không được thanh toán, dẫn đến cảnh DN sống dở chết dở vì lãi suất cao đè ép. Hiện nay, nhà nước đang cố gắng tăng tốc xử lý tình trạng này.
Nhưng ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách tiếp cận. Chúng ta nên dựa vào cơ chế thị trường để đánh giá lại các dự án, chứ không phải dùng nguyên lý bao cấp để xử lý. Giải pháp ra sao phải nằm trong cách tiếp cận ấy. Chúng ta có thể bán đứt dự án nếu có khả năng thu hồi vốn tốt, hoặc đấu thầu cho bên nào làm được thì cho làm tiếp, với mức chi phí có thể chấp nhận được và thực sự có hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay mà bàn đến cách này chắc nhiều ông sẽ kêu khó ngay bởi nhà nước có tiền đâu. Song ở đây chúng ta đang bàn cách xử lý những tồn đọng do cơ chế. Những hướng như vậy, theo tôi cần phải ghi nhận chứ không phải bác bỏ ngay tức thì.
Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vai trò điều phối và trách nhiệm giải trình
Việt Lâm: Các chuyên gia đã xới xáo lên nhiều vấn đề và cũng gợi ý nhiều giải pháp. Câu hỏi cuối cùng nhiều độc giả băn khoăn là: Bức tranh chung nhiều ngổn ngang như vậy thì liệu có giải pháp khả thi nào có thể làm ngay để gỡ rối được phần nào, giống như tìm ra được điểm đột phá vậy?
Nguyễn Xuân Thành: Đối với tôi thì đó là sự kết hợp giữa sức mạnh nhà nước với trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý. Trong bối cảnh khung pháp luật và thể chế của chúng ta đang thay đổi theo hướng tích cực nhưng chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của xã hội, vai trò điều phối của các cơ quan TƯ rất quan trọng.
Nói đến đầu tư công là tam giác quyền lực giữa chính quyền TƯ – chính quyền địa phương – các DNNN (bao gồm các tổ chức tài chính thuộc sở hữu nhà nước cũng như các DN phi tài chính của nhà nước). Vấn đề là sức mạnh của các nhóm này đến đâu và theo tôi chính là các cơ quan trung ương trong việc điều phối. Mặc dù có sức ép của các nhóm lợi ích, chẳng hạn có thể từ các địa phương hay DN đòi phải ưu ái dự án này cho tỉnh này, hay DNNN này nhưng trách nhiệm giải trình của anh trước QH có thể khắc chế phần nào. Chí ít trước sức ép giải trình ấy thì các dự án không hiệu quả sẽ phải điều chỉnh.
Ts Trần Đình Thiên: Tôi thấy câu hỏi phản ánh một mong muốn. Xưa nay chúng ta cứ đột phá mãi mà không được. Nhưng lần này tôi thấy có mấy điểm quan trọng để mà hy vọng. Một là, mặc dù nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng VN vẫn cam kết hội nhập ở đẳng cấp cao. Ngày xưa vào WTO ta khoẻ thế mà còn ngần ngại. Bây giờ yếu nhưng vẫn khẳng định tham gia các Hiệp định thương mại tự do Á Âu, rồi TPP. Do các cam kết này có tính ràng buộc chặt chẽ, thời gian ngắn mà điều kiện ngặt nghèo, mức độ tự do hoá cao nên sẽ gây áp lực thực sự đối với cải cách trong nước. Nói cách khác là sống chết gì ta cũng phải làm, không thể không làm vì cam kết ấy thống nhất từ lãnh đạo cao. Cơ hội là rất lớn và nó buộc chúng ta phải xung trận theo cái nghĩa là nhập vào một cuộc chơi đẳng cấp cao.
Hai là, tuy mấy năm nay tái cơ cấu chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn nhưng chính vì chưa được nhiều nên cũng giúp chúng ta thấy được tái cơ cấu khó đến mức nào và hiện nay cần tập trung vào chỗ nào, chứ không hẳn là những đột phá như chúng ta nói từ trước đến nay.
Ở đây tôi muốn nói rõ hai điểm về mặt nguyên lý: thứ nhất, câu chuyện tái cơ cấu không phải là gì ghê gớm, cứ dựa vào nguyên tắc thị trường mà làm. Đây cũng là một ý trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Bởi vì 7 năm chúng ta gia nhập WTO, đáng lẽ phải thực hiện cam kết thúc đẩy thị trường thì ngược lại, hành chính tăng lên. Thứ hai, linh hồn của tái cơ cấu nằm trong cải cách luật và phải làm luật theo chùm, theo hệ thống. Vài năm nay lẽ ra phải làm được việc này. Song vì chưa làm được nên bây giờ tính bức bách tăng lên. Những tín hiệu vừa qua cho thấy đã đến lúc phải chuyển sang hệ thống trách nhiệm cá nhân. Đấy thực sự là điểm xoay chuyển toàn bộ cấu trúc làm việc bởi muốn quy trách nhiệm cá nhân thì phải định rõ chức nặng, nhiệm vụ và quyền hạn. Chỉ khi đó người chịu trách nhiệm cá nhân mới tâm phục khẩu phục.
Tôi tin rằng đã đến thời điểm phải bàn luận cho thấu đáo về hai thành tố Nhà nước – thị trường. Càng để muộn sức nén càng khủng khiếp. Tất nhiên bây giờ vẫn còn chậm nhưng xu hướng là không thể đảo ngược.
Xin cảm ơn hai vị khách mời!
• VietNamNet