Văn hóa Hà Nội lâu nay là quá trình hội tụ, giao lưu cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ văn hóa Hà Nội đứng trước những thách thức, những thay đổi trên quy mô lớn như hiện nay: Một là, nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội dường như bị mai một, nhạt màu. Tình trạng nhiều di tích lịch sử - văn hóa như đền, chùa, miếu mạo trong nội đô bị chiếm dụng; ý thức gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử của một bộ phận người dân còn hạn chế. Hai là, không gian văn hóa sáng tạo còn nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, đòi hỏi phải có một chính sách, chương trình hỗ trợ, ưu đãi riêng cho các không gian sáng tạo này. Ba là, nét thanh lịch của người Hà Nội ngày càng khó kiếm tìm, thay vào đó là sự xuất hiện ngày một nhiều những biểu hiện lệch lạc về mặt lối sống, về nhận thức và cách thức ứng xử thể hiện trong văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, văn hóa học đường...

Nhìn nhận một điều rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, khó có thể duy trì mãi nếp sinh hoạt, nếp tư duy cũ, tuy nhiên những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội vẫn cần được gìn giữ, phát huy. Càng hiện đại, càng cần có điểm tựa truyền thống để phát triển bền vững.

Bản sắc dân tộc là yếu tố tiên quyết để tạo nên giá trị bền vững của một nền văn hóa. Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, điều làm nên sự quyến rũ, chính phục được tình cảm, sự mến mộ của công chúng thế giới chính là khai thác, phát huy nét độc đáo dân tộc. Nét độc đáo này không phải là cứ đi theo lối mòn truyền thống, mà phải có sự sắp xếp, lọc lựa, có sự đổi mới, cách tân, sáng tạo trên nền tảng truyền thống. Những yếu tố mới, độc, lạ sẽ là điểm nhấn thu hút, tạo sự khác biệt trong muôn vàn sắc màu văn hóa đa dạng của thế giới, và tạo hiệu ứng lan tỏa. Trong quá trình giao lưu văn hóa, thông qua các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, văn học, điện ảnh, điêu khắc, triển lãm, mỹ thuật..., để giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Một trong những địa chỉ thu hút khách du lịch của Hà Nội 

Trong dòng chảy hội nhập quốc tế, văn hóa là mạch nguồn không ngừng nghỉ, do vậy những giá trị, chuẩn mực văn hóa vừa mang tính lịch sử, vừa thể hiện tính thời đại. Văn hoá không bao giờ tĩnh tại, ngưng đọng và không thay đổi; ngược lại, văn hoá là sự năng động và vận động không ngừng. Sự sống còn của văn hoá phụ thuộc vào việc tái sinh liên tục, sáng tạo, khả năng thích nghi, thay đổi, cải tổ và chuyển biến. Đó là xu thế tất yếu. Khi đã mở cửa, hội nhập thì cần xác định mình đang ở đâu trong dòng chảy đó. Không thể giữ mãi những gì đang có, cũng không thể mở toang cửa, cho cái gì muốn vào thì vào. Nền văn hóa mới phải là một nền văn hóa hiện đại, nhưng mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đối với Thủ đô Hà Nội, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cần chuẩn bị như thế nào để đối mặt với những biến đổi văn hoá đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, làm thế nào để duy tồn bản sắc, phong vị văn hóa Hà Nội; văn hóa đi theo con đường nào, dựa trên nền tảng gì để giao lưu, hội nhập... là những vấn đề không mới những luôn được đặt ra cấp thiết. Trọng trách lớn đối với Hà Nội là làm sao thực sự xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của đất nước; hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm lớn về kinh tế, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Để định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế, việc chú trọng những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo là cần thiết, như tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); tập trung hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo ra một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa, đưa vào hệ thống giáo dục để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại thế giới; nâng cao nhận thức của mỗi người dân Thủ đô về những giá trị văn hóa nghìn năm mà cha ông để lại mà các thế hệ phải có trách nhiệm trân trọng, giữ gìn, phát huy. Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực người Hà Nội, phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân Thủ đô, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi gia đình…

Bắt nhịp với dòng chảy hội nhập quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến sâu sắc, trong đó văn hóa đóng vai trò quan trọng, không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô. Đó chính là nền tảng bền vững để Hà Nội chủ động tiếp nhận tinh hoa văn hóa các nước, làm phong phú bản sắc dân tộc, trở thành một trong những thành phố tiêu biểu về văn hóa của cả nước.

Đình Thành, Ánh Tuyết, Nguyễn Doanh