Người "cao" thực sự không bao giờ phải đè đầu người yếu thế hơn. Những kẻ càng hống hách bắt nạt kẻ dưới thì lại càng quỵ lụy kẻ trên, như một sự bù đắp và cân bằng tâm lý.

Cần gì phải đến người nước khác dạy cho ta biết thế nào là bị làm nhục nơi đông người, người Việt ta đã tự làm với nhau rồi.

Xem xong clip cô gái bán siêu thị quỳ lạy khách hàng lan truyền trên mạng hôm qua, tôi sởn hết da gà. Vì  giọng nói chát chúa, thái độ hung hãn và hống hách đúng kiểu "bà chủ" rởm mà người khách hàng thể hiện, và sự nằn nì van xin của cô nhân viên mới.

"Bà chủ" khách hàng ăn mặc lịch sự, ra vẻ có tiền, có học nhưng cư xử y như vô học:  vừa chửi té tát mày tao vừa đập gói hàng xuống bàn và dúi vào người cô nhân viên nhiều lần. Cô nhân viên chừng quá sợ mất chỗ làm nên cứ hạ giọng nằn nì và dúi gói hàng (nhầm chủng loại) trở lại vào tay khách. Có lẽ cô muốn xin khách mua luôn gói hàng này để cô không bị mất tiền đền cho cửa hàng nên nhỏ giọng, muốn giấu và không mời sếp ra làm việc trực tiếp với khách, như nên làm thế trong những trường hợp người khách đã mất bình tĩnh.  

Chợt nhớ tới những tình huống tương tự.

Một lần ở sân bay Tân Sơn Nhất, người phụ nữ ngồi gần tôi được nhân viên yêu cầu trả tiền cước vì hành lý quá tải. Chị ta sấn sổ giật hành lý của mình về rồi móc điện thoại oang oang ngay giữa phòng chờ đông nghịt: "Anh hả, em có mấy chục cân thừa mà bọn nhân viên ló cứ bắt đóng tiền là lào. Chúng ló láo quá.  Anh bảo chúng ló nhá, láo, không được nấy tiền của em nhá. Bao nhiêu lần trước vẫn thế còn gì... Vâng, vâng... thế... cám ơn anh".  Quay sang tôi, chị ta hỉ hả ra mặt dù chẳng quen biết : "Đồng hương tớ đấy, to nắm. Lần lào cũng thế, đi bao nhiêu cũng chả mất đồng cước lào".

{keywords}
Ảnh cắt từ clip nhân viên quỳ xin lỗi khách

Bạn có thể gặp nhiều người như những phụ nữ trên. Họ cho mình quyền đạp lên bất cứ ai yếu thế hơn. Mua rau thì hai tay như máy bới lục tung cả thúng rau lên chỉ để lấy một bó nhưng miệng vẫn sa sả chửi cái đồ nhà quê ra tỉnh chả biết thế nào là lịch sự. Đi ăn uống thì xả giấy ăn dưới chân trắng xóa như cái nhà vệ sinh công cộng, cụng ly đôm đốp nói cười giật giọng như tranh thủ khoe một bữa được đi ăn tiệm. Bị va quẹt xe thì nhanh miệng chửi ngay…

Chúng tôi được dạy từ nhỏ, ra đường gặp thầy cô hay người lớn tuổi quen biết với cha mẹ phải vòng tay cúi đầu chào. Đưa cho người khác bằng hai tay, nhận cũng hai tay. Ra đường gặp ai lứa tuổi nào thì gọi bằng ngôn xưng tương ứng, người bán rau ngoài chợ cũng phải gọi là chị, dì, thím, cô, chú, bác. Không nói chỏng lỏn. Trả tiền mua hàng phải kèm câu "Dạ đây chị/dì/chú/bác" hay "Đây em, nè em" nếu người bán nhỏ tuổi hơn mình. Không được có thói hỗn láo ỷ tiền mua xong ngậm câm vứt xoạch tờ bạc ra cho người bán. Mua xong thì chào "Em đi nha chị", "Con đi nha dì".

Cho tới giờ chúng tôi vẫn có thói quen gọi người lớn tuổi cỡ ông bà mình là ngoại và chào người bán khi mua hàng xong, bất kể họ là "nhà quê lên tỉnh" hay "gia truyền" quý tộc mấy đời. Người giúp việc trong nhà tùy tuổi mà gọi em, gọi chị, gọi cô, trẻ nhỏ phải theo đúng mà xưng hô, không được xách mé chỉ vì người ta là người làm thuê cho gia đình mình. Chúng tôi được dạy rằng người mua không hề cao sang hơn người bán vì trên đời tất cả mọi người không trừ ai đều sinh tồn bằng cách bán một thứ gì đó. Và việc mua bán là hành vi thông thường hàng ngày giữa mọi người để kiếm sống và phục vụ cho nhu cầu của bản thân mình.

Chị gái tôi vừa mời thẳng một ông quan khệnh khạng ra khỏi cổng trường. Ông nọ đưa con đi thi học kỳ muộn, đã hành giáo viên phải tổ chức lại riêng một kỳ thi, ông ta còn chỉ tay vào mặt giáo viên bảo: "Cô chỉ cho cháu nó làm bài đi chứ".

Sẽ nực cười lắm khi chứng kiến những kẻ độn nhân cách vào đế giày rồi nghĩ mình cao hơn thiên hạ đó trong khung cảnh họ phải cầu cạnh. Đã từng có những "phu nhân" sang chảnh gấp trăm lần hơn  khách hàng hung hãn trong clip kia ngày ngày tự nguyện đến những người mà họ đang cần cầu cạnh để chứng tỏ "lòng thành".  

Hãy nhìn họ quỵ lụy với người trên và tai ngược với kẻ dưới. Hãy nghe họ nói về chúng ta bằng ngôi thứ ba. Để thấy được nền tảng văn hóa thực sự đằng sau lớp vỏ đắt tiền của quần áo, bằng cấp, danh vị. Người "cao" thực sự không bao giờ phải đè đầu người yếu thế hơn mình. Những kẻ càng hống hách bắt nạt kẻ dưới thì lại càng quỵ lụy kẻ trên, như một sự bù đắp và cân bằng tâm lý.

Nói đến nhân cách ở đây e hơi quá. Chỉ là những quy định của cộng đồng mà mọi người sống trong đó phải tuân theo như ăn nói đúng mực, cư xử phải phép. Có ăn có học, có bạc tiền, có vị trí xã hội, có nghề nghiệp đáng mơ ước.. mà hống hách trịch thượng, thượng đội hạ đạp.. thì quả là phí hoài, nói gì đến cống hiến cho xã hội.

Hoàng Xuân

Xem bài cùng tác giả

Tăng mấy trăm triệu đô: Nói 'một tý' cũng... đúng

Báo chí cứ làm như có mỗi vụ đường sắt đô thị này "điều chỉnh" vậy! Rõ ràng so với "truyền thống" thì gọi đó là "một tý" thật chính xác.

Vượt suối bằng túi nilon: Sao tôi thấy dửng dưng!

Phải chăng một số người trong chúng ta dễ chọn cách thỏa hiệp với hoàn cảnh hơn là thay đổi nó? Hay do còn nhiều nguyên nhân khác?