Thái Lan đang đối mặt với một tuần lễ quan trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, lo ngại bạo lực và xung đột dân sự khiến các quan chức an ninh kêu gọi siết chặt an ninh, VOAnews đưa tin.


{keywords}

Chính phủ lâm thời Thái cho biết, sẽ đẩy mạnh an ninh để ngăn ngừa xung đột giữa những người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ.

Căng thẳng chính trị đang gia tăng trong bối cảnh lực lượng chống chính phủ kêu gọi chỉ định một Thủ tướng trung lập.

Người đứng đầu Cơ quan điều tra đặc biệt Tharit Pengdit cho biết, những lời kêu gọi chỉ định một người đứng đầu chính phủ không thông qua bầu cử của lực lượng chống chính phủ Ủy ban cải tổ dân chủ (PDRC) là bất hợp pháp.

Ông Tharit nói, lời kêu gọi chỉ định một Thủ tướng không qua bầu cử của lãnh đạo PDRC Suthep Thaugsuban là "bất hợp pháp" và làm tăng xung đột, có thể dẫn tới bạo lực và thậm chí là nội chiến.

Trong khi đó, các lãnh đạo của nhóm Áo Đỏ ủng hộ chính phủ cũng đưa ra cảnh báo tương tự rằng xung đột xã hội sẽ tăng cao khi lực lượng này tuần hành vào cuối tuần qua với một số người mang biểu ngữ và ảnh của Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra.

Bà Yingluck bị tòa án Hiến pháp sa thải cùng 9 thành viên nội các vào cuối tuần trước với buộc tội lạm dụng quyền lực. Thay thế bà là phó Thủ tướng Niwattumrong Boonsongpaisan.

Chính phủ Thái hy vọng sẽ tiến hành bầu cử như kế hoạch vào ngày 20/7 tới. Cuộc bầu cử hôm 2/2 bị hủy bỏ.

Đảng cầm quyền Pheu Thai, phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của cựu thủ tướng Thaksin, hy vọng giành lại thế chủ động chính trị tại cuộc bầu cử. Kể từ năm 2001, các đảng ủng hộ Thaksin đều chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ đối lập, tẩy chay cuộc bỏ phiếu trước, đe dọa sẽ tiếp tục tẩy chay bầu cử nếu không có cải tổ chính trị.

Nhà khoa học chính trị trường đại học Chulalongkorn Panitan Wattanayagorn nói, quân đội Thái đã tăng cường hiện diện tại Bangkok để ngăn ngừa xung đột giữa các phe phái chính trị đối lập.

Ông Panitan cho biết, các trận chiến chính trị sẽ leo thang quanh vấn đề bổ nhiệm Thủ tướng và sắc lệnh hoàng gia về việc tiến hành bầu cử vào 20/7.

Tuy nhiên, các báo cho biết, chỉ huy quân đội dường như phản đối lời kêu gọi thiết lập một chính phủ lâm thời của lãnh đạo đối lập Suthep. Quân đội bác bỏ khả năng đảo chính và tuyên bố chỉ can thiệp nếu bạo lực leo thang.

Cố vấn cấp cao cho đảng Lực lượng Dân chủ ủng hộ chính phủ là Prasaeng Mongkonsiri nói, các cuộc hội đàm hậu trường có thể đã được tiến hành, gồm cả hội đàm với Thaksin.

  • Hoài Linh