Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong mùa dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.
Thủ đoạn đầu tiên theo đơn vị này là lừa đảo qua dịch vụ "ship COD" (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng) để thu khoản chênh lệch giá. Đối tượng giả làm khách mua thỏa thuận với người bán yêu cầu nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm thông qua dịch vụ "ship COD". Người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến mình nên đồng ý và sử dụng dịch vụ "ship COD" để giao nhận hàng.
Sau đó, người bán giao hàng cho dịch vụ vận chuyển và nhận tiền ứng hàng (lớn hơn so với giá trị sản phẩm) và người bán chuyển khoản số tiền chênh lệnh lại cho người mua theo như thỏa thuận.
Nhiều hình thức lừa đảo nổi lên trong thời gian gần đây lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo. |
Khi dịch vụ vận chuyển thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ nhận hàng hoặc không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng thì người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng vì không thể giao hàng. Như vậy, người bán đã bị lừa mất số tiền chênh lệnh giá.
Hình thức lừa đảo tiếp theo là lừa đảo qua lệnh chuyển khoản giả. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking.
Người bán tưởng thông tin chuyển khoản số tiền là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Khi shipper lấy hàng đi rồi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên gọi cho khách hàng thì sẽ được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới. Lúc này, phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong nên bên bán không thể lấy lại hàng được.
Hình thức lừa đảo thứ ba nổi lên trong thời gian gần đây là mạo danh đầu tư vaccine Covid-19. Các đối tượng lừa đảo dùng các ứng dụng mạo danh đầu tư vaccine Covid-19, thiết bị y tế.
Các ứng dụng này có hình thức đầu tư vào các gói vaccine Covid-19 hoặc thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… Người dùng bị dụ dỗ, lôi kéo đăng ký tài khoản tại một trang web hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ; việc đầu tư sẽ thu lời hàng ngày. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như các thành viên khác được thực hiện qua nhóm trên ứng dụng nhắn tin hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác. Nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi ứng dụng sập, không thể rút lại tiền.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế cho biết do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng “xoáy” nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm vaccine, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân.
Không những thế, các đối tượng còn giả danh nhân viên bệnh viện mạo nhận thông báo đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi bệnh Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí cho quá trình điều trị.
Cơ quan này khuyến nghị người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành, tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
(Theo Zing)
Lừa đảo nạp tiền với lãi suất 'khủng'
Ứng dụng Auto Ads và kênh đầu tư tài chính BIS Holding có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư