Chiều 5/8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 24h qua (từ 13h ngày 4/8 - 13h ngày 5/8), tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Cao Sơn (Hòa Bình) mưa 146 mm, Huổi Lèng (Điện Biên) 144 mm, Mường Tè (Lai Châu) 135 mm, Yên Lãng (Thái Nguyên) 112 mm...

Độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 6 giờ tới, các tỉnh trên tiếp tục có mưa phổ biến từ 30 - 60 mm, có nơi trên 90 mm. 

Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia cảnh báo trong 6 giờ tới, 52 huyện, thị xã, thành phố ở khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Ảnh Hoài Bắc.

Lũ quét, sạt lở đất gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông, phá hủy công trình dân sinh, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất...

Các huyện, thành phố có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất gồm: Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Nậm Nhùn,Tam Đường, Sìn Hồ, TP.Lai Châu (tỉnh Lai Châu); Quỳnh Nhai, Phù Yên, Mường La, Bắc Yên, Sông Mã, Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, TP.Sơn La, Yên Châu, Vân Hồ, Sốp Cộp (tỉnh Sơn La); Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, TX.Mường Lay, Mường Ảng, TP.Điện Biên Phủ, Tủa Chùa,Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên)...

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cho biết, việc sạt lở chủ yếu là do mưa lớn kéo dài. 

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lũ gây sạt lở, kèm theo gió lốc mạnh xảy ra đêm ngày 3/8 kéo dài đến ngày 5/8 tiếp tục gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Mường Nhé, Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ.

Ước tổng thiệt hại khoảng 2,41 tỷ đồng. Mưa lũ gây sạt lở đất đá đã gây thiệt hại 17 nhà ở, trong đó: TP Điện Biên Phủ 5 nhà; Điện Biên Đông 7 nhà; Nậm Pồ 2 nhà; Điện Biên 3 nhà. 40,7ha sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, cuốn trôi; trong đó huyện Điện Biên thiệt hại lớn nhất với 36,9ha.

Mưa lớn kéo dài gây sạt lở 7.060m3 đất đá làm hư hỏng, ách tắc giao thông tại nhiều tuyến đường trên địa bàn các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé và Điện Biên; 2 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nghiêm trọng tại đập đầu mối, hệ thống kênh mương. Ngoài ra, tại huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, mưa lũ gây sụt lún, hư hỏng hạ tầng một số trường học.