Chị Nguyễn Minh P. (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi xem livestream trên Facebook quảng cáo bán hạt điều của một cơ sở ở tỉnh Bình Phước với giá 100.000 đồng/ 4 hộp hạt điều, chị đã để lại số điện thoại và đặt mua. Một ngày sau, một phụ nữ đã gọi điện thoại cho chị xác nhận đơn hàng. Tuy nhiên người này cho biết loại hàng 100.000 đồng/4 hộp là hạt điều vỡ vụn, ăn sẽ không ngon.

“Còn chị muốn ăn ngon thì mua loại hạt điều bể - vỡ đôi, 100.000 đồng/2 hộp, phí vận chuyển thêm 30.000 đồng”, người bán hàng nói.

{keywords}
Tràn lan quảng cáo hạt điều 100.000 đồng/4 hộp trên mạng.

Nghe vậy, chị P. đã quyết định mua loại 100.000 đồng/2 hộp. Và đúng 1 tuần sau, người giao hàng gọi chị ra nhận hàng với tổng chi phí là 130.000 đồng. Khi về chị P. nhận hàng được bọc bên trong có 2 hộp hạt điều và được dán băng dính ở nắp. Cả 2 hộp đều dán nhãn hiệu Liên Vy, địa chỉ tại ấp 5, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước), không có ngày, tháng, năm sản xuất, hạn sử dụng trong 6 tháng, thành phần chỉ ngắn gọn gồm hạt điều (99%) và muối (1%). Ăn thử chị P cảm nhận không ngon như loại hạt điều bình thường mà có vị đắng, gắt, hắc. Quan sát kỹ hơn thấy những hạt điều có những vết xẫm màu ở giữa, giống các dấu hiệu của hạt lạc mốc…

Về loại hạt điều giá rẻ, chị Lê Thị Thu Thủy, chủ thương hiệu hạt điều nhà Lê cho hay hiện nay các nhà sản xuất và kinh doanh hàng chất lượng cao đang phải đối mặt với nạn bán hạt điều rang muối với giá siêu rẻ, rẻ bằng nửa giá thị trường. Trong khi họ bán giá vốn cũng không thể rẻ đến như vậy.

Chủ thương hiệu hạt điều này đặt ra một phép tính: Mức lời của người bán thường nằm ở con số 20% cho bán lẻ và 9% cho bán buôn dựa vào số lượng bán ra. Mùa thu hoạch hạt điều năm 2020, giá tại thời điểm ngày 12.5 ở Việt Nam là 35.000 đồng/kg loại đẹp, đã phơi khô (cuối năm, giá hạt điều thô tăng lên tới 50-60.000 đồng, thì giá vốn còn đội lên cao hơn nữa). Nếu hạt điều xấu thì phải chọn 4-5kg mới ra được 1kg hạt điều đạt tiêu chuẩn, còn lại là hạt sâu, xấu…

Như vậy để sản xuất 1kg hạt điều cần tới khoảng 3,5kg hạt điều thô, giá vốn sẽ là 122.500 đồng. Nếu cộng thêm giá nhân công chọn hạt, nhân công rang, bao bì, đóng gói, hao hụt sau khi rang, các loại chi phí sản xuất… thì giá cũng đã lên tới 240.000 - 260.000 đồng/kg.

Vậy sao thị trường lại có loại bán lẻ 100.000 đồng/kg, 160.000 đồng/kg, có nơi nhỉnh hơn là 200.000 đồng/kg? Lý giải cho điều này, chị Lê Thị Thu Thủy cho rằng, đó có thể là hàng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn an toàn bị trả về, hoặc hàng tồn kho. Riêng mặt hàng điều, nếu để lâu quá 4 - 6 tháng thì chất lượng sẽ giảm sút và càng tồi tệ hơn khi để sau 1 năm.

Thực tế hiện tại có rất nhiều công ty hàng bị tồn kho không bán được, họ phải “phù phép” đủ kiểu, và thà bán lỗ còn hơn không bán được. Chưa kể có thể lô hàng đó không vượt qua các kỳ kiểm tra gắt gao về hóa chất tại nước ngoài, bị từ chối nhập cảnh. Dĩ nhiên quay về nước, hạt điều sẽ được bán phá giá để thu hồi vốn, được đồng nào hay đồng đó.

Để làm rõ về sản phẩm hạt điều Liên Vy, trong vai người mua hàng, phóng viên liên hệ với số điện thoại có trên hộp sản phẩm. Đầu dây bên kia người nghe máy tự nhận là chủ cơ sở Liên Vy. Khi phóng viên hỏi mua loại hạt điều 100.000 đồng/4 hộp (2 kg), người phụ nữ này cho biết đó là hạt điều vụn, đa số người mua về làm bánh, nấu xôi, nấu chè... còn ăn thì không ngon và chị cũng không đảm bảo chất lượng cho loại hạt điều này. Đồng thời giới thiệu loại hạt điều vị tỏi ớt (hạt còn nguyên nhưng cho thêm gia vị tỏi, ớt) và hạt điều vỡ đôi đồng giá là 100.000 đồng/2 hộp. Khi phóng viên đề cập đến chất lượng sản phẩm khách hàng mua bị mốc, chị này cho biết cơ sở nhà chị vận chuyển đi cả chục tấn mà không thấy ai kêu gì, bán buôn cho toàn quốc.

Hiện nay, không chỉ Liên Vy mà nhiều cơ sở đang quảng cáo hạt điều 100.000 đồng/4 hộp/2kg, 100.000 - 200.000 đồng/kg tràn lan trên mạng xã hội, và đã có hàng nghìn đơn hàng đặt mua. Với tâm lý dù chất lượng không tốt nhưng giá trị thấp đa số khách hàng đành tặc lưỡi cho qua chứ không khiếu nại. Tuy nhiên, chưa nói về quy trình, vệ sinh chế biến hạt điều một cách thủ công, nếu người nào không nhận ra về chất lượng như mốc sẽ là nguồn gây bệnh rất nguy hiểm cho người sử dụng. 

(Theo Báo Văn hóa)