Tại một buổi đối thoại gần đây giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Quảng Nam và một số cơ quan chức năng nhằm tìm cách kích cầu du lịch trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra, đại diện một số doanh nghiệp đưa ra so sánh thú vị. Phố cổ Hội An như quay lại cách đây 10 năm. Một thành phố yên bình và chủ yếu thấy khách Tây đạp xe, đi xích lô hay dạo bộ.
Khách Hàn Quốc đến Quảng Nam "phình to" ít nhất 30 lần trong 10 năm qua, với các mốc thời gian trong biểu đồ là 2010, 2016 và 2019. Ảnh nền: Làng rau Trà Quế, Hội An |
Từ quan sát thực tế cho thấy, những nhận định trên không phải là vô căn cứ. Trong 5 năm trở lại đây cho đến trước khi “cơn bão” Covid-19 xuất hiện, các điểm du lịch tại Quảng Nam, trong đó có Hội An, thường xuyên trong tình trạng quá tải bởi quá nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Những thị trường khách truyền thống của phố cổ như Pháp, Anh, Đức, Mỹ… tuy không sụt giảm nhiều nhưng dường như “bị lọt thỏm” trong bức tranh chung.
Điều này hoàn toàn ngược lại so với thập kỷ trước khi khách Hàn Quốc chiếm chưa đầy 5%.
Theo số liệu thống kê, vào năm 2010, khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam cán cột mốc 1 triệu lượt trong tổng số 1,7 triệu. Về cơ cấu, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Quảng Nam chỉ khoảng hơn 3.800 lượt, chiếm tỷ trọng 0,81% trong cơ cấu khách quốc tế toàn tỉnh.
Đến năm 2016, con số này tăng lên hơn 192.000 lượt, chiếm 8,2%. Và trong năm 2019, khách Hàn Quốc dẫn đầu 10 thị trường khách quốc tế tham quan, lưu trú nhiều nhất tại tỉnh miền Trung, theo sau là Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan. Năm 2019, Quảng Nam thu hút 4,6 triệu lượt khách quốc tế.
Và trong 5 năm qua, ngành du lịch Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng phải giải bài toán quá tải như quá nhiều homestay xung quanh phố cổ Hội An, quá nhiều khách tập trung tại trung tâm phố cổ vào ban đêm...
Nhiều tọa đàm, hội thảo được tổ chức để tìm giải pháp, nhưng vẫn chưa thành công. Một phần vì những đơn vị kinh doanh chuyên khách Âu, Mỹ cảm thấy họ vẫn kinh doanh ổn, trong khi đó gần 2 triệu khách Hàn Quốc đem lại nguồn thu đáng kể cho không chỉ với công ty lữ hành mà còn có lưu trú, nhà hàng, quán ăn, tiệm làm đẹp, khu vui chơi giải trí… mọc lên khắp nơi.
“Nhưng khi cơn bão Covid-19 quét qua, thì mọi thứ dường như quay lại 10 năm trước”, ông Trần Văn Khoa, Giám đốc công ty Jack Tran Tours, so sánh. Khách Hàn Quốc và khách Á nhiều điểm du lịch giảm hẳn. Tại bãi biển An Bàng đã thấy nhiều khách du lịch Âu, Mỹ như xưa. Về mặt tiêu cực, cơn khủng hoảng này sẽ khiến nhiều homestay, cửa hàng, nhà hàng… đóng cửa.
Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê chính thức tháng 2, nhưng theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), sự sụt giảm, hủy phòng, hủy tour, hủy dịch vụ quá cao, tầm 50-60%, kéo theo sự bất ổn định về nhân sự trong thời gian tới, ảnh hưởng tâm lý du khách khi quyết định đi du lịch và doanh nghiệp đối diện với khó khăn lãi suất vốn vay, nợ ngân hàng, thuế.
Số liệu khách du lịch đến Quảng Nam qua các năm do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cung cấp |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Duy Nhất Đông Dương, có quan điểm tích cực khi cho rằng đây cơ hội để nâng chất lượng điểm đến cho Hội An với các nguồn khách Âu, Mỹ và thị trường mới như Ấn Độ, chẳng hạn.
Ông Thủy cũng đề xuất ý kiến xúc tiến mở các đường bay trực tiếp từ các thị trường Âu, Mỹ và các thị trường mới đến Đà Nẵng để đa dạng hóa thị trường. “Hiện nay, khách Âu, Mỹ đến sân bay quốc tế Đà Nẵng thông qua nối chuyến tại các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong… Và khi những điểm trung chuyển tại châu Á này hạn chế bay vì dịch thì những khách Tây cũng khó đến đây”, ông phân tích.
Nhưng cũng có những quan điểm ngược lại. “Không phải muốn làm là được”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours, chia sẻ với TBKTSG Online. Các địa điểm du lịch tại Việt Nam, đặc biệt là Hội An, có sự thân thuộc về văn hóa với khách từ các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Vì vậy những thị trường này sẽ còn tiếp tục đến Việt Nam. Vấn đề là ngành du lịch địa phương tìm cách đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng điểm đến.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, chia sẻ bên cạnh hướng đến chất lượng thì cũng phải tính đến phương án “chăm lo” cho những đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ đang phục vụ những đối tượng khách bình dân hơn.
(Theo TBKTSG Online)