Mờ ảo sau màn sương sớm, chúng tôi đã thấy hai nhóm người là những bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Jrai đã ngồi chờ ở công viên Nguyễn Viết Xuân (TP.Pleiku, Gia Lai) để việc tìm đến.
Qua tìm hiểu, đa số những bà con ở chợ lao động này đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố. Mọi người đều chung hoàn cảnh không có việc làm ổn định, cuộc sống chỉ gắn với cây mì, cây lúa rẫy. Chính vì vậy, khi xuống giống xong thì mọi người đều rảnh nên thường vác các dụng cụ sản xuất ra các khu vực như chợ, công viên…với mong muốn tìm được việc làm.
Mỗi sáng hàng chục bà con đồng bào lại tập trung tại các công viên để chờ việc tìm đến |
Hút điếu thuốc lá mới vấn, anh Ksor Đang (Chuét 1, xã Chư Á, TP.Pleiku) tâm sự: 'Khoảng 7h, mọi người tập trung về đây để chờ việc. Dụng cụ mang theo là xà ben, cuốc, xẻng… với hy vọng hàng ngày có việc làm để kiếm tiền. Chỉ cần có người thuê thì công việc gì cũng được. Từ cuốc đất, cào cỏ đến phun thuốc, xây nhà, gồng gánh…anh em chúng tôi cũng nhận…'.
'Đứng ở đây cũng thất thường, 'bữa đói, bữa no'. Lúc người ta thuê đi bốc vác thì anh em rủ nhau cùng đi làm rồi tiền công chia nhau. Có hôm vất vả đến lưng chừng ngày nhưng cũng chỉ được vài chục ngàn mang về đưa vợ mua rau…Nếu tính nhẩm thì tôi đứng đây cũng đã thấm thoát hơn 8 năm nay rồi', anh Đang cho biết thêm.
Đa số bà con đều là người dân tộc thiểu số đi tìm những việc chân tay trên thành phố |
Dù đã ngoài cái tuổi 60 nhưng hơn 10 năm nay ông Y Bui (làng Do Guăh, xã Chư Á) vẫn ra chợ lao động này để kiếm sống. 'Trước đây, gia đình có 2 sào ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng còn có chỗ để làm. Nhưng khi vợ bị bệnh đành phải bán lấy tiền lo thuốc cho vợ. Hàng ngày tùy từng việc, có ngày cũng kiếm được hơn 100 ngàn, có khi cũng được vài trăm. Nhưng cũng có thời điểm cả ngày không có ai thuê', Ông Bui cho biết.
Anh Ksos Tít (xã Chư Á, TP.Pleiku, Gia Lai) chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn, phải mưu sinh tìm việc ở chợ lao động này hơn 6 năm |
Trao đổi về vấn đề 'chợ lao động', bà Ngô Thị Xuân Hồng, Chủ tịch UBND phường Hội Phú, cho biết: “Nhiều năm qua, trên địa bàn phường hình thành một 'chợ lao động' ở khu vực công viên Nguyễn Viết Xuân và các lao động này đều đến từ các vùng nông thôn, thường xuyên thiếu việc làm.
Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ kiếm việc làm, số lượng con người cụ thể ở chợ lao động này biến động bất thường. Có người hôm nay còn đứng chờ việc ở đây, nhưng ngày mai đã lại chuyển đến địa điểm khác. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo đội trật tự đô thị của phường cũng thường xuyên đến nhắc nhở tình trạng lấn chiếm lòng lề đường và dọn dẹp vệ sinh công cộng để giữ gìn mỹ quan chung của công viên”.
Ông Võ Văn Nhân, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-cho biết: 'Để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, hàng năm, Phòng tổ chức các lớp dạy nghề lao động theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Công tác giải quyết việc làm cho những lao động đã qua đào tạo khá thuận lợi. Còn lao động không qua đào tạo rất khó giải quyết việc làm…'.
Cuộc sống làm dâu sướng như bà hoàng của cô gái Việt lấy chồng Pháp
Rời quê hương sang Pháp làm dâu với bao điều bỡ ngỡ, cô gái Thanh Vy không ngờ mình được mẹ chồng chiều chuộng như bà hoàng.
Theo Dân Trí